Giáo dục - Đào tạo

Nghị định 116 trợ lực cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn

Nguyễn Hiền 18/02/2025 06:21

Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP (Nghị định 116) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hỗ trợ các trường nâng cao chất lượng

Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong hàng năm có trên 90% học sinh con em dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm trước đây, trường đã gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tỷ lệ chuyên cần và bảo đảm chất lượng giáo dục, do học sinh nghỉ học giữa chừng.

img_2599.jpg
Giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính hỗ trợ học sinh tập viết

Theo bà Vũ Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính, hưởng lợi từ Nghị định 116, học sinh của trường đã được hỗ trợ tiền gạo và tiền ăn bán trú. Trường hiện có 1.336 học sinh, trong đó 1.275 em là người DTTS, trong đó có 318 học sinh được hưởng chế độ chính sách bán trú. Việc hỗ trợ này giúp học sinh có bữa ăn đầy đủ, môi trường học tập tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi để trường duy trì nền nếp học tập đều đặn.

"Nhờ hưởng lợi từ Nghị định 116, nhà trường đã duy trì được việc học 2 buổi/ngày cho học sinh. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa đi học đều hơn. Tỷ lệ chuyên cần hàng năm đạt trên 90%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể”, bà Vũ Thị Huyền chia sẻ.

img_4099.jpg
Nhờ hưởng lợi từ Nghị định 116, nhiều học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đắk R’măng ở xã Đắk R’măng đã không phải bỏ học giữa chừng

Không riêng Trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính, học sinh nhiều trường học trên địa bàn huyện Đắk Glong được hỗ trợ để rút ngắn khoảng cách đến trường. Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2024, toàn huyện có 11.034 lượt học sinh được hưởng chính sách từ Nghị định 116, với tổng hơn 1.474 tấn gạo được cấp phát và trên 62 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn buổi trưa cho học sinh.

Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong khẳng định, việc triển khai chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Các trường PTDT bán trú trên địa bàn huyện được hỗ trợ nhiều nội dung quan trọng như mua sắm bổ sung thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ và máy thu hình nhằm phục vụ sinh hoạt văn hóa cho học sinh bán trú. Tổng số tiền hỗ trợ mua sắm qua các năm tăng dần, từ 29 triệu đồng năm 2021-2022 lên hơn 52 triệu đồng vào năm học 2023-2024.

Ngoài ra, các trường được lập tủ thuốc và cung cấp các loại thuốc thông thường để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Mức hỗ trợ này cũng được tăng cường qua các năm, từ 14,5 triệu đồng năm học 2021 - 2022 lên hơn 24 triệu đồng vào năm học 2022 - 2023. Nhiều trường được hỗ trợ nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, riêng năm học 2023-2024 khoảng 243 triệu đồng/trường.

"Những chính sách này không chỉ giúp duy trì tỷ lệ chuyên cần, giảm thiểu học sinh bỏ học mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục tại các khu vực khó khăn. Qua đó, giúp các trường ổn định công tác tuyển sinh, củng cố giáo dục phổ cập và phát triển toàn diện cho học sinh DTTS", bà Hằng cho hay.

Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ học sinh

Theo Báo cáo số 04, ngày 14/1/2025 của HĐND tỉnh Đắk Nông về kết quả khảo sát thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Đắk Nông có 36.061 lượt học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116.

img_3874.jpg
Học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức được hưởng lợi từ Nghị định 116 cùng với sự quan tâm hỗ trợ của giáo viên đã vươn lên trong học tập

Trong đó, số lượng học sinh tiểu học và THCS thuộc diện được hưởng chính sách chiếm phần lớn. Cụ thể, học sinh tiểu học 17.951 lượt, học sinh THCS 14.032 lượt và học sinh THPT 3.475 lượt. Học sinh người dân tộc Kinh tại khu vực đặc biệt khó khăn, số lượng được hưởng chính sách là 603 lượt.

Tổng số tiền hỗ trợ tiền ăn theo Nghị định 116 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ năm 2021 đến 2024 hơn 207 tỷ đồng; hỗ trợ tiền nhà ở hơn 11 tỷ đồng; hỗ trợ gần 5.000 tấn gạo.

Báo cáo số 04, ngày 14/1/2025 của HĐND tỉnh Đắk Nông về kết quả khảo sát thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ

img_3952.jpg
Hưởng lợi từ Nghị định 116, học sinh Trường tiểu học - THCS Vừ A Dính ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đã rút ngắn được khoảng cách đến trường

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, thời gian chi trả kinh phí hỗ trợ còn chậm làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh. Điều này, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh.

Việc vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các trường gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với những trường nằm ở vùng sâu, vùng xa.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xét duyệt và cấp phát hỗ trợ còn thiếu đồng bộ...

Qua giám sát, Ban Dân tộc-HĐND tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện một số giải pháp quan trọng để phát huy hiệu quả hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn cho các đối tượng thụ hưởng.

Các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh quá trình xét duyệt, chi trả và cấp phát hỗ trợ cho học sinh nhằm bảo đảm kinh phí và gạo được phân bổ đúng thời gian, đặc biệt là tại các trường vùng sâu, vùng xa. Việc hỗ trợ kịp thời sẽ giúp cải thiện đời sống của học sinh, đồng thời bảo đảm các em có đủ điều kiện để tiếp tục học tập.

UBND tỉnh cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất cho các trường học bán trú tại các khu vực khó khăn. Việc xây dựng thêm các phòng chức năng, cung cấp trang thiết bị dạy học hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập. UBND tỉnh cũng cần xem xét điều chỉnh thời gian cấp phát gạo lên 3 lần/năm để thuận tiện trong bảo quản và sử dụng.

Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích và hiệu quả. Ngành Giáo dục rà soát nhu cầu bán trú của học sinh, đề xuất giải pháp phù hợp...

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nghị định 116 trợ lực cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO