Kinh tế

Nghề truyền thống ở Đắk Nông - "Sống được" nhưng "còn yếu"

Hưng Nguyên 14/04/2023 05:28

Đắk Nông có nhiều nghề truyền thống có giá trị cả về văn hóa lẫn kinh tế. Trong đó, dệt thổ cẩm và làm rượu cần đã được công nhận chính thức là các nghề truyền thống của tỉnh. Người làm các nghề này đã cơ bản "sống được", nhưng vẫn chưa thực sự mạnh và cần thêm sự hỗ trợ để phát triển hơn.

hinh2(1).jpg
Bà H'Ók là một trong những người dệt thổ cẩm lâu nhất ở Đắk Nông

"Sống được" với thổ cẩm

Trong ngôi nhà gỗ ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Cư Jút), bà H’Ók, 73 tuổi, đang tỉ mỉ bên khung cửi. Bà dệt tấm mền thổ cẩm theo đơn đặt hàng của khách.

Bà H’Ók là người dân tộc Ê đê. Bà biết dệt thổ cẩm từ năm 18 tuổi. Các kỹ thuật dệt của bà đều được mẹ truyền dạy từ khi còn nhỏ. Cùng với lòng đam mê, nên bà đã gắn bó với khung cửi từ rất sớm.

Theo bà H'Ók, trước đây, sản phẩm thổ cẩm truyền thống được bà thêu dệt chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái lấy chồng và một phần để trao đổi hàng hoá.

Hiện nay, nghề dệt có nhiều thay đổi. Người dệt thổ cẩm không còn nhiều như trước. Thế nhưng, việc mua bán các sản phẩm thổ cẩm lại nhiều hơn.

Do đó, sản phẩm của bà không chỉ phục vụ gia đình, người thân mà còn được kinh doanh làm quà tặng cho du khách. Nó cũng thường xuyên được những người yêu văn hoá truyền thống sưu tập.

Bà H’Ók cũng chuyển dần cách dệt thổ cẩm theo hướng hàng hoá, hiện đại. Trước đây, ai đặt hàng bà mới dệt. Còn hiện nay, bà dệt sẵn các mẫu để vừa giới thiệu, quảng bá, vừa bán nếu khách thấy ưng ý.

h-mot-1-(1).jpg
Nhiều người vẫn dệt thổ cẩm bằng đam mê, góp phần giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống

Mỗi khi có đoàn khách du lịch vào thăm buôn làng và tìm hiểu về thổ cẩm, bà H’Ók đều mang ra giới thiệu hàng chục sản phẩm như mền, áo, váy, túi…

Các sản phẩm đều có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng. Du khách còn được bà giới thiệu tỉ mỉ về những nét hoa văn trên sản phẩm. Họ cũng có thể tự thẩm định độ tinh xảo của nghệ nhân thêu dệt thổ cẩm.

Hiện nay, bà H’Ók dành hết thời gian ngồi bên khung cửi. Bà dệt thổ cẩm theo đơn đặt hàng hoặc dệt sẵn để phục vụ du khách theo mùa lễ hội trong năm.

Bà H’Ók cho biết, thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm cũng tạm ổn, đủ trang trải cuộc sống. Bà đã lớn tuổi, nên công việc, thu nhập từ thổ cẩm là rất phù hợp.

Chị H’Bình được biết đến là người trẻ có tay nghề dệt thổ cẩm tinh xảo ở bon N’J riêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Hiện nay, chị có thể dệt được hoa văn truyền thống của dân tộc Mạ, Ê đê, M’nông.

Chị H’Bình cho biết, năm 12 tuổi, chị được mẹ truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đến nay, chị đã gắn bó với khung cửi đã hơn 20 năm.

Trước đây, chị dệt thổ cẩm theo cách bán thời gian. Còn hiện nay, đơn hàng khá nhiều, nên chị dành toàn bộ thời gian để dệt thổ cẩm.

Sản phẩm của chị được dệt thủ công hoàn toàn, nên mất nhiều thời gian. Mỗi tháng, nếu dệt liên tục, chị có thu nhập khoảng 6 – 7 triệu đồng. Nguồn thu nhập này giúp chị đủ trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành.

Để tạo đầu ra cho sản phẩm tốt hơn, chị đã mở một cửa trưng bày các loại sản phẩm thổ cẩm để đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

hinh(1).jpg
Khách du lịch tham quan, tìm hiểu sản phẩm thổ cẩm

Rượu cần bứt phá

Từ sáng sớm bà Grum, ở bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, đã bắt đầu các công đoạn làm rượu cần. Bà Grum chia sẻ: "Mùa tiêu thụ rượu cần nhiều thường tập trung vào các dịp lễ hội, dịp tết, nên tôi thường làm số lượng lớn vào các ngày này. Mỗi năm tôi bán được khoảng hơn 100 ché loại từ 5 - 12 lít".

Những năm gian qua, nguồn thu nhập chính của gia đình bà chủ yếu từ làm rượu cần. Trong đó, những năm thuận lợi, nguồn thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

z4260234868796_dd17c4bb39c8c71912d7075129d8b9ed-1-.jpg
Nghề làm rượu cần đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người

Còn bà H'Mai, 51 tuổi, ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, được mẹ truyền cho “bí kíp” làm rượu cần khi mới lên 14 tuổi. Tuần nào, bà  cũng làm rượu để bán. Để có rượu chất lượng, bà nhập ché từ Hà Nội vào.

Năm 2018, nghề làm rượu cần truyền thống được tỉnh Đắk Nông công nhận là nghề truyền thống. Những người đang làm rượu cần trong bon Ting Wel Đơm, bon Bu Sóp và bon N’Jriêng, xã Đắk Nia đã liên kết thành tổ hợp tác làm rượu cần truyền thống. Tổ hợp tác quy tụ những người có kinh nghiệm làm rượu cần trên địa bàn tham gia.

Để sản phẩm truyền thống tiếp cận thị trường, rượu cần đã được kiểm tra chất lượng. Kết quả các chất trong rượu cho thấy không có độc tố methanol và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn, chất lượng đồ uống an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu.

Sản phẩm rượu cần truyền thống đã có lô gô, nhãn hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ “Rượu cần Đắk Nia”. Sản phẩm từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho rượu cần Đắk Nông, mở ra hướng phát triển mới, góp phần giữ gìn nghề rượu cần truyền thống.

Cần được "tiếp sức" nhiều hơn

Ông Trần Đình Tuấn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, trước đây các sản phẩm từ nghề truyền thống khó tìm đầu ra. Tuy nhiên hiện nay, đầu ra đã bắt đầu được kết nối, thu nhập của các thành viên tăng lên.

Xã Đắk Nia định hướng tổ dệt làm ra những sản phẩm nhỏ, phù hợp với giá cả người tiêu dùng. Xã xây dựng bon N’Jriêng phát triển thành bon du lịch cộng đồng. Từ đó, có thêm kênh để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm truyền thống.

Ông Tuấn cho biết: "Từ khi phát triển bon du lịch cộng đồng, sản phẩm dệt truyền thống, rượu cần đã tiếp cận nhiều hơn với khách hàng. Sản phẩm của người dân bán được nhiều hơn".

Đắk Nông có hơn 40 dân tộc sinh sống. Hiện nay, ở các bon làng nhiều người dân vẫn duy trì các nghề truyền thống như: đan lát, thổ cẩm, rượu cần… Họ vừa giữ gìn văn hoá truyền thống, vừa tạo nguồn thu nhập.

Tuy nhiên, việc thu nhập vẫn chỉ là thu nhập thêm, người dân chủ yếu làm nghề theo kiểu bán thời gian. Do đó, để phát triển được nghề truyền thống như đan lát, rượu cần, dệt thổ cẩm… vẫn cần sự quan tâm, "tiếp sức" nhiều hơn.

thocam(1).jpg
Gắn với du lịch kết hợp du lịch trải nghiệm và quảng bá sản phẩm sẽ là giải pháp hay để sản phẩm thủ công từ nghề dệt tiếp cận người tiêu dùng

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng VHTT huyện Cư Jút cho biết, việc tạo nguồn thu nhập từ nghề truyền thống trên địa bàn chưa nhiều. Chủ yếu người dân bảo tồn nghề truyền thống và tạo thu nhập thêm.

Để phát triển và tạo nguồn thu nhập chính đối với nghề truyền thống, cần sự phát triển mạnh của du lịch. Qua đó thu hút du khách, tạo điểm đến cho du khách trải nghiệm văn hoá truyền thống và mua các sản phẩm.

Sản phẩm truyền thống làm ra tốn nhiều thời gian hơn, giá vì thế khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp. Đây là bài toán khó, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người thợ gắn bó với nghề truyền thống.

Theo Sở VH-TT-DL Đắk Nông, cái khó nhất của nghề truyền thống hiện nay là đầu ra cho các sản phẩm. Do đó, để nghề truyền thống tồn tại và có một hướng phát triển phù hợp, tốt hơn, cần có sự quy hoạch bài bản, có chiến lược phù hợp.

Hiện ngành Văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm truyền thống của Đắk Nông cũng được ngành Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh.

Mặc dù vậy, các nghề truyền thống hiện nay ở Đắk Nông nhìn chung vẫn còn mờ nhạt và cần thêm động lực để bứt phá

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nghề truyền thống ở Đắk Nông - "Sống được" nhưng "còn yếu"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO