Chúng tôi gặp nghệ nhân Y Mốt tại nhà riêng khi ông đang miệt mài ngồi đan lát những chiếc gùi truyền thống. Thấy có khách đến, nghệ nhân Y Mốt nở nụ cười chào hỏi, rồi lại tập trung vào chiếc gùi đang đan dở. Sau đó, nghệ nhân Y Mốt vừa làm vừa chia sẻ, ông đến với nghề đan lát từ rất sớm, khi mới 15 tuổi. Trong một lần quan sát cha mình đan những vật dụng bằng tre nứa, ông cảm thấy rất thích thú. Từ đó, ông thường xuyên để ý và học hỏi mỗi khi có dịp, một thời gian sau ông nắm vững và thành thạo mọi kỹ thuật, kỹ năng, tự mình đan những vật dụng phục vụ trong cuộc sống hằng ngày.
Ngắt quãng cuộc trò chuyện, nghệ nhân Y Mốt vào trong bếp mang ra "khoe" đủ các vật dụng như rá, rổ, gùi, nia… của khách đến đặt hàng với ông mà chưa lấy. Ông cho biết thêm, những vật dụng sinh hoạt trong gia đình, trong bon Ding Play này hầu hết họ đến đặt hàng với ông. Không những vậy, khách hàng các bon khác đem mây, tre đến nhờ ông đan cũng nhiều, chủ yếu các vật dụng sinh hoạt hàng ngày và làm nương rẫy... Hiện nay, các sản phẩm đan lát của nghệ nhân Y Mốt đã trở thành thương hiệu và được người dân ở các bon trong xã thường xuyên đến xem, mua và đặt hàng.
Nghệ nhân Y Mốt vót mây để hoàn thiện những chiếc gùi… |
Ông nói, thời gian làm một chiếc gùi là phải mất 3-4 ngày. Để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp, phải trải qua nhiều công đoạn công phu như chuẩn bị nguyên liệu; đặc biệt là việc chẻ, chuốt các sợi nan sao cho đạt tỉ lệ hợp lí, bảo đảm độ mềm, nhẵn để dễ kết hình ban đầu tạo thuận lợi trong quá trình đan. Nhiều khách hàng thường đến mua nguyên một bộ như: rổ, rá, nia, gùi và túi đựng cơm…; có những lúc họ đến đặt nhiều, ông phải huy động con cháu phụ giúp một tay, đứa vót mây, đứa chẻ nan giúp. Thu nhập từ nghề đan lát giúp ông trang trải được cho cuộc sống.
Tại nhà của nghệ nhân Y Mốt, chúng tôi gặp được già làng - người uy tín Y Chơi, người thường xuyên đến thăm hỏi, động viên ông Y Mốt giữ nghề. Ông Y Chơi nhớ khi còn nhỏ, mình cùng nhiều bạn cùng trang lứa trong bon được ông Y Mốt chỉ dạy đan lát. Lúc ấy, ai cũng vui vì được học nghề đan lát truyền thống. Thế nhưng, sau một thời gian, những người bạn cùng trang lứa ai cũng bận việc riêng gia đình nên không theo học nữa. Hiện nay lớp như chúng tôi năm nay ngoài 60 tuổi chỉ còn vài người biết đan mà cũng không duy trì nghề. Mặc dù nghề đan lát cho thu nhập không cao nhưng cũng giúp đủ trang trải cuộc sống. Bản thân già làng Y Chơi vẫn duy trì nghề, những lúc rảnh rỗi, ông lại đan lát vừa để kiếm thêm thu nhập vừa lưu giữ nghề truyền thống của người M’nông.
Già làng-người uy tín Y Chơi thường xuyên thăm hỏi động viên nghệ nhân Y Mốt nỗ lực giữ nghề truyền thống |
Theo nghệ nhân Y Mốt, bây giờ còn rất ít người biết và duy trì đan lát. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian và công sức lắm, vì vậy, hiện nay giới trẻ cũng không mấy mặn mà như thời tuổi trẻ của ông ngày xưa. Những người trẻ bây giờ học xong không thường xuyên đan nên dần dần cũng quên nghề. Những người già biết đan lát ở trong bon như tôi rồi cũng mất đi. Tôi sợ rằng một ngày không xa nghề đan lát này sẽ bị mai một.
Để lưu giữ truyền thống nghề đan lát của dân tộc M’nông, nghệ nhân Y Mốt vẫn thường xuyên nhắc nhở cho bà con về ý nghĩa của nghề đan lát truyền thống trong các buổi sinh hoạt của bon... Theo nghệ nhân, để giữ được nghề thì những người già biết nghề cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, truyền dạy cách đan lát các vật dụng cho lớp trẻ. Còn thế hệ trẻ phải chịu khó học hỏi nghề để góp phần lưu truyền vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc từ đời này sang đời khác.
Chia tay nghệ nhân Y Mốt, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê nhiệt huyết với nghề và khát khao muốn được truyền và giữ nghề đan lát truyền thống của ông cha và không bị mai một theo thời gian.