Di sản - Truyền thống

Nghệ nhân Thị Mai - kho sử thi sống của người M’nông

Mỹ Hằng 10/04/2023 05:00

Sinh ra và lớn lên trong gia đình am hiểu văn hóa truyền thống, Nghệ nhân Thị Mai, bon Bu N’Jang Lu, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) luôn tâm huyết sưu tầm sử thi (Ót n’drong), gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người M’nông.

ADQuảng cáo

Kho sử thi sống của bon làng

Sinh ra trong gia đình có bố là cố nghệ nhân Điểu Kâu cùng các chú là Điểu K’lung, Điểu K’lứt thuộc hàng vạn câu Ót n’drong của người M’nông nên từ nhỏ, Thị Mai thừa hưởng, học hỏi nhiều điều hay về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trải qua hàng chục năm, giờ đây Thị Mai không chỉ thuộc hàng vạn câu Ót n’drong mà còn biết diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hát dân ca…

img-5045(1).jpg
Dưới sự dẫn dắt của Thị Mai, nhiều chị em biết diễn tấu cồng chiêng.

Từ năm 2005 đến nay, Nghệ nhân Thị Mai đã dành thời gian nghe, ghi chép lại các bản sử thi bằng song ngữ Việt - M’nông. Bằng cách này, Thị Mai đã dịch và thuộc hàng ngàn câu văn vần, những bài sử thi đồ sộ của văn hóa M'nông. Hiện nay, ngoài những bộ sử thi quý hiếm, Thị Mai còn sưu tập gần 1.000 bài ca dao, dân ca của dân tộc M’nông và gần 500 món ăn của người M’nông.

Theo Nghệ nhân Thị Mai, để có được những sưu tập quý giá ấy, Nghệ nhân đã phải bỏ cả công việc nương rẫy để thực hiện những chuyến đi dài ngày đến những bon làng đồng bào M’nông ở trong và ngoài tỉnh như Đắk Lắk, Bình Phước gặp gỡ các nghệ nhân nghe kể, hát ghi băng, chép lại bằng tiếng M’nông rồi dịch ra tiếng Việt.

“Từ khi còn bé, tôi đã theo cha đi thu âm, nghe, rồi tự tay chép các bài sử thi này bằng tiếng M'nông rồi dịch sang tiếng Việt. Công việc ghi chép này tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, tâm huyết và lâu dài thì mới thực hiện được thành những câu chuyện hoàn chỉnh. Hiện nay, thế hệ những người biết hát kể sử thi hầu như không còn nên tôi luôn cố gắng gìn giữ khi còn có thể", Thị Mai chia sẻ.

ADQuảng cáo
img-4946(1).jpg
Các con của Nghệ nhân Thi Mai (ở giữa) tham gia cùng mẹ diễn tại các sự kiện văn hóa, văn nghệ dân gian do chính quyền các cấp tổ chức.

Nỗ lực truyền dạy cho con cháu

Với mong muốn trao truyền, gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông, những năm qua, Thị Mai đã phối hợp với chính quyền các cấp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, dạy dệt thổ cẩm cho các bạn trẻ trên địa bàn.

Tại các lễ hội của bon làng, Thị Mai đã hát sử thi, hát dân ca dân vũ để bà con lắng nghe, thấu hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, khơi dậy niềm đam mê sử thi cho giới trẻ.

img-7693(1).jpg
Dù nhỏ tuổi nhưng các con của Thị Mai luôn thích thú với cồng chiêng.

Đặc biệt, Thị Mai luôn chỉ dạy cho các con của mình về những điều hay lẽ phải và phải biết kế thừa, tích lũy vốn am hiểu văn hóa ngay khi còn nhỏ. Bởi theo Thị Mai, cách bảo tồn văn hóa truyền thống bền vững phải xuất phát từ gia đình.

Các con của Thị Mai dù nhỏ tuổi nhưng được truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, hát, kể sử thi, tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ do chính quyền các cấp tổ chức. Hiện nay, Điểu K’Lang  (SN 2009), Thị Tiang (SN 2011), Thị Niang (SN 2012) dù còn nhỏ tuổi nhưng đã biết đánh thành thục một số bài chiêng khó của người M’nông như Pep Kon Jun, Ching ngăn, Thơt tinh thoa, Têt tơ wer… 

Nghệ nhân Thị Mai tâm sự: “Nếu mình không chỉ dạy cho con và trao truyền cho thế hệ trẻ thì làm sao chúng hiểu mà học tập, phát huy. Dù cuộc sống cơm áo gạo tiền còn khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để chỉ dạy cho các em nhỏ. Ót n’drong, cồng chiêng ngân vang đó là niềm mong mỏi không chỉ riêng tôi mà là của tất cả người M’nông đang sinh sống trên mảnh đất này”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân Thị Mai - kho sử thi sống của người M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO