Nghệ nhân K’Brớt và tiếng M’buốt ngân vang
Hàng chục năm gắn bó với cây M’buốt nhạc cụ truyền thống của người M’nông, ông K’Brớt, bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) luôn ý thức phải giữ gìn, bảo vệ để tiếng M’buốt mãi ngân vang.
Đến bon Kon Hao vào buổi chiều muộn, lần theo con đường do cán bộ xã Đắk Ha chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông K’Brớt. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là hình ảnh ông K’Brớt khoác trên mình chiếc áo thổ cẩm dân tộc M’nông, trên tay cây M’buốt thổi nhiều nhạc điệu du dương, ấm áp cho vợ, con, cháu nghe. Dù không hiểu hết về nội dung đoạn nhạc muốn nói gì, nhưng qua tiếng nhạc, chúng tôi cảm nhận sự ấm áp, lưu luyến lạ thường. Có lẽ chỉ có những người yêu, đam mê, hiểu, coi M’buốt như đứa con tinh thần của mình thì khi thổi, nhạc mới có hồn đến như vậy
Trò chuyện cùng ông K’Brớt, chúng tôi được biết, mỗi khi có thời gian rảnh, nhất là vào buổi trời chiều, khi con cháu đi làm về quây quần, ông thường mang M’buốt ra để thổi. “Nhìn nhạc cụ này đơn giản, nhỏ vậy thôi, nhưng để thổi được nó đòi hỏi phải có sức khỏe, lấy hơi thật tốt, thật dài. Tôi coi M’buốt như đứa con tinh thần của mình nên thường gửi gắm vào đó nhiều nỗi niềm. Buồn tôi cũng thổi mà vui tôi cũng thổi. Hàng chục năm gắn bó với nhạc cụ này, M’buốt đã trở thành người bạn tâm giao không thể rời xa”, ông K’Brớt tâm sự.
Có lẽ vì gắn bó lâu năm, vì cái tình, cái nghĩa, nên ông K’Brớt luôn cố gắng giữ gìn, duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Mỗi khi bon làng hay xã có hoạt động cộng đồng nào, ông K’Brớt đều xung phong đảm nhận thổi tiết mục M’buốt phục vụ người dân.
Theo ông K’Brớt, việc thổi M’buốt trong sinh hoạt cộng đồng chính là cách để nó luôn hiện hữu và ngày càng có nhiều người biết đến hơn. Mỗi dân tộc có một nét đẹp văn hóa riêng, không trộn lẫn, nên khi tiếng nhạc M’buốt cất lên, ông mong muốn bà con sẽ nhận ra đây là nhạc cụ của người M’nông.
Để nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian, những lúc nhàn rỗi, ông thường truyền dạy cách đánh chiêng, sử dụng nhạc cụ truyền thống, nhất là M’buốt cho con cháu, bà con đồng bào M’nông.
Ông K’Brớt cho biết: “Là một nghệ nhân, tôi luôn nhắc mình phải có trách nhiệm bảo tồn, truyền giữ, phát triển nét đẹp văn hóa của đồng bào M’nông. Do đó, tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để giới trẻ biết và tập luyện thổi M’buốt để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Học nhạc cụ dân tộc không hề dễ, đòi hỏi phải chịu khó, siêng năng, nhưng nếu đam mê chắc chắn sẽ làm được”.
Chia tay ông K’Brớt lúc trời nhá nhem tối, nhưng tiếng M’buốt vẫn vang vọng, vẫy gọi, níu kéo bước chân chúng tôi quay lại. Nhìn ánh mắt của ông K’Brớt khi thổi M’buốt, chúng tôi mới thấm thía thế nào là tình yêu thực thụ dành cho nhạc cụ dân tộc cũng như nỗ lực lưu giữ, bảo tồn, góp phần đưa M’buốt đến gần hơn với thế hệ mai sau.