Nghề làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội

Nguyễn Hồng (t.h)| 11/06/2021 09:20

Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu lâu năm của người Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, nghề này đã dần mai một do các loại đồ chơi hiện đại lấn át. Vì vậy, ít người gắn bó với nghề, đặt ra đòi hỏi cấp thiết về giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống làm mặt nạ giấy bồi.

Nguồn gốc và ý nghĩa

Tương truyền, từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, người Việt cổ đã biết làm những chiếc mặt nạ từ nhiều loại chất liệu khác nhau như vỏ cây, da thú v.v... Về sau, khi con người đã văn minh hơn thì chất liệu làm chiếc mặt nạ đã được thay thế bằng giấy bồi. Và cũng như các sản phẩm mang tính văn hóa dân gian khác, chiếc mặt nạ phản ánh khá rõ nét cuộc sống, những mong ước của người nông dân Việt Nam xưa.

Nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi

Mặt nạ hình ông Địa với hình dáng tròn vo và sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ sinh sôi nảy nở của đất đai, mùa màng. Mặt nạ hình thỏ ngọc lại tượng trưng cho sự đẹp đẽ, hài hòa của đất trời, ngày đêm ước vọng về thời tiết mưa thuận gió hòa cho sản xuất nông nghiệp v.v...

Quy trình và kỹ thuật

Việc làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống thành công là cả một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều giai đoạn và tốn không ít công sức. Đầu tiên, nghệ nhân phải xé giấy thật nhỏ. Tiếp đó, với các khuôn xi măng được đúc sẵn các hình thù ngộ nghĩnh, nghệ nhân sẽ lót dưới một lớp giấy trắng vào khuôn rồi đem từng lớp giấy vụn được gắn chặt với nhau bằng hồ dán phết thành lớp đáy.

Những chiếc khuôn làm bằng xi măng được làm nên với những hình khuôn mặt truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, đầu lân, đầu sư tử, trâu, bò, heo... Thậm chí, để theo kịp nhu cầu thị hiếu người chơi, nghệ nhân còn sáng tạo thêm khuôn hình các nhân vật truyện tranh nước ngoài như Batman, người nhện… để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.

Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh, khó đeo. Vì thế, chỉ những ngày nắng nghệ nhân mới sản xuất còn ngày mưa thì tạm nghỉ. Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để bảo đảm màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem. Tất cả các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, sự nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn.

Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống

Những chiếc mặt nạ vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa mang những giá trị văn hóa truyền thống và chứa đựng biết bao câu chuyện hay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các nghệ nhân sản xuất là sự kế tục và phát huy nghề truyền thống này, vì nghề này đang dần bị mai một.

Những năm gần đây, đến dịp Tết Trung thu, các loại đồ chơi truyền thống dành cho trẻ em như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi v.v... đã bước đầu lấy lại được thị hiếu khách hàng. Đây là “tín hiệu vui” cho các làng nghề làm đồ chơi Trung thu, trong đó có sản phẩm mặt nạ bằng giấy bồi... Việc giữ gìn và phát huy nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống cần được động viên và khích lệ kịp thời. Vì hơn hết, những nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, dù trẻ em ngày càng có nhiều đồ chơi hiện đại, bắt mắt, nhưng những món đồ chơi truyền thống dân gian vẫn có chỗ đứng riêng. Mỗi mùa Trung thu, những chiếc mặt nạ giấy bồi hay trống da của Hà Nội vẫn được chở đi bán khắp mọi miền, được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/nghe-lam-mat-na-giay-boi-o-ha-noi-86905.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/nghe-lam-mat-na-giay-boi-o-ha-noi-86905.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghề làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO