Giáo dục - Đào tạo

Nghề giáo luôn là nghề cao quý

Đức Diệu 17/11/2023 05:30

Năm 2023, cả nước chọn chủ đề “Tôn sư trọng đạo” để thực hiện chuỗi hành động Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023). Việc chọn chủ đề này một lần nữa khẳng định, dù ở thời đại nào, nghề giáo vẫn luôn được xã hội tôn vinh, trọng vọng.

Từ người "đưa đò"

Dạy học là nghề đặc biệt. Bởi đây là nghề mà tạo ra sản phẩm tri thức, nhân cách của một con người. Từ xa xưa, nghề giáo được xem là biểu tượng thiêng liêng, một nghề cao quý trong các nghề cao quý. Nghề giáo được coi là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học noi theo mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước.

40(1).jpg
Dừ ở thời đại nào, nghề giáo vẫn là nghề cao quý nhất

Vì thế, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam bao đời nay, nhằm đền đáp công lao to lớn của những người thầy thầm lặng đã truyền đạt kiến thức để giáo dục con người. Ông cha ta từ thời xa xưa vẫn thường dạy “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tức là "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Như vậy, vai trò của người thầy đã sớm được ghi nhận trong xã hội từ rất lâu về trước.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Khác với các nghề khác, thành phẩm của giáo dục và công lao của người thầy chính là tạo ra những người tốt cho xã hội. Công lao của người thầy được ví như những chuyến đò chuyên chở tri thức. Trong đời người của một người thầy, biết bao học trò đã “qua sông” trên những chuyến đò thầm lặng ấy. Vì vậy, người thầy trong xã hội xưa đã được nâng lên thành một chuẩn mực về tri thức, đạo đức, nhân cách. Có nghĩa, những gì thầy truyền đạt, những lời thầy nói ra đều là chuẩn mực, đều là đúng. Quan hệ dạy học ngày xưa cũng vì thế mang tính truyền thụ một chiều từ thầy đến trò. Người thầy ngày xưa được khu biệt để chỉ những người dạy học. Do trình độ văn hóa ngày xưa chưa phát triển, tầng lớp tri thức chiếm tỷ lệ ít, những người dạy học cũng vì thế mà hiếm hoi. Sự hiếm hoi đó như càng tôn thêm vai trò, tầm quan trọng của người thầy trong xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét trong văn hóa giao tiếp, ứng xử giữa trò và thầy.

hoc-sinh.jpg
Giáo dục học sinh "tôn sư trọng đạo" đang được xã hội chú trọng

Đến những người lái “thuyền máy”

Có lần, khi bàn về vai trò của những người đưa đò, người thầy dạy học cũ của chúng tôi hài hước nói, giáo viên ngày nay không còn là người “đưa đò” thầm lặng như ngày xưa nữa mà là những người “lái thuyền máy” để chuyên chở tri thức.

Hàm ý của câu nói có nghĩa là, giáo viên ngày nay ngoài dạy ở lớp, còn dạy thêm ở ngoài, tham gia các buổi thính giảng, dạy trực tiếp rồi đến trực tuyến. Mặt khác, cùng với yêu cầu của thời đại, người thầy ngày nay phải luôn cập nhật kiến thức, đương đầu với nhiều áp lực hơn trước trọng trách của mình.

Ngày xưa, một người thầy chỉ nhận dạy mấy học sinh do điều kiện, nhu cầu học tập, giảng dạy hạn chế. Còn ngày nay, nhu cầu học tập, cập nhật kiến thức của mỗi con người là rất lớn, có thể xem như từ khi sinh ra đến khi mất đi, con người đều phải học tập. Mỗi một người thầy, một lúc có thể giảng dạy, truyền đạt cho hàng chục học sinh, thậm chí hàng trăm học sinh nhờ được công nghệ hỗ trợ. Mỗi một ngày, người thầy có thể dạy nhiều lớp, nhiều lứa tuổi. Cũng vì thế, đối với một bộ phận học sinh, vai trò người thầy khá mờ nhạt. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò người thầy trong xã hội ngày nay khác xa với trước. Cái khác thứ nhất dễ nhận thấy đó là quan hệ thầy, trò. Trước đây, trò gặp thầy phải cung kính, lễ phép. Thầy là bậc trên, là “tôn sư”. Thứ hai, đó là quan điểm tuyệt đối hóa về người thầy trong vị thế xã hội cũng như nhân cách, đạo đức. Còn ngày nay, quan hệ thầy, trò có phần thay đổi do nhiều yếu tố từ quan niệm đến ứng xử. Quan hệ thầy trò ngày nay là mối quan hệ qua lại, tương tác tương đối bình đẳng chứ không theo tuyến tính như ngày xưa. Sự nhìn nhận, công nhận vai trò của người thầy cũng phụ thuộc vào chính giá trị của người thầy cống hiến, tạo ra cho xã hội. Có nghĩa, không phải bất cứ thầy giáo nào cũng mặc định là “khuôn vàng thước ngọc” như trước.

img_9703(1).jpg
Xã hội càng phát triển, những nhà giáo càng thêm nhiều áp lực trong việc cập nhật kiến thức, ứng xử xã hội để truyền thụ cho học sinh (Ảnh: Nguyễn Hiền)

Sự học ngày nay có nhiều thay đổi đang dần xác lập những quan hệ thầy trò theo cách mới. Vì vậy, nhiều người đã ngộ nhận vai trò của người thầy trong xã hội ngày nay đang dần bị xem nhẹ. Họ cho rằng, quan niệm “không thầy đố mày làm nên” của ngày xưa thì ngày nay không còn phù hợp. Ngày nay, không phải muốn có kiến thức, chỉ có con đường “tầm sư học đạo” mà còn có những cách thức, hình thức học tập khác. Có người lại lập luận, nếu là “nghề cao quý của những nghề cao quý”, tại sao giáo viên ngày nay vẫn phải lo toan cuộc sống mưu sinh như dạy thêm, làm thêm để trang trải cuộc sống. Bản thân đồng lương đứng lớp là chưa xứng đáng…?

Những quan đểm trên có lẽ không sai, nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Bởi bất cứ xã hội nào, giáo dục vẫn là quốc sách. Người thầy được xem như những “kiến trúc sư” kiến tạo nên nhân cách, chất lượng của nguồn nhân lực cho xã hội. Chưa kể, với những người Á Đông, trong đó có Việt Nam, quan điểm “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn luôn có giá trị. Vì thế, vai trò người thầy trong thời đại ngày nay, không chỉ hiểu ở khía cạnh truyền đạt kiến thức, mà còn là người giáo dục nhân cách, đạo đức, truyền đạt cảm hứng, lý tưởng sống cho học trò.

Với sự thay đổi căn bản về cách thức, hình thức dạy học; sự thay đổi về mối quan hệ thầy trò đã giải quyết được vấn đề tiếp thu kiến thức thụ động, tuyến tính như trước đây. Tuy nhiên, mối quan hệ tương tác, bình đẳng giữa thầy và trò cũng đang dần định hình trong ý thức, nhận thức của một bộ phận học sinh xem nhẹ vị trí, vai trò của người thầy. Chưa kể, cũng không ngoại trừ số ít giáo viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề giáo nên không được học sinh, xã hội coi trọng.

Xét cho cùng, bất cứ một nghề nào, nhất là nghề giáo, để được xã hội ghi nhận, bản thân mỗi giáo viên trước hết phải yêu nghề, mến trò, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Đó cũng chính là nhiệm vụ cao cả được xã hội giao phó, gửi gắm.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nghề giáo luôn là nghề cao quý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO