Đời sống

Nghề “ăn cơm đứng” - mô hình thoát nghèo ở Quảng Khê

Thanh Hằng 06/04/2023 05:00

Trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp nhiều người dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) thoát nghèo. 

ADQuảng cáo

Ở xã Quảng Khê (Đắk Glong), chị Trần Thị Thoa, thôn Đắk Lang là một trong những nông dân thoát nghèo với nghề trồng dâu nuôi tằm. 10 năm trước, khi mới bắt tay vào nghề, chị Thoa trồng 5 sào dâu, mỗi tháng nuôi được 2 hộp tằm. Sau 4 năm nuôi, gia đình chị đã thoát nghèo, đồng thời mua thêm được đất, mở rộng diện tích trồng dâu.

nuoi-tam-1(1).jpg
Chị Trần Thị Thoa, thôn Đắk Lang là một trong những nông dân thoát nghèo với nghề trồng dâu nuôi tằm.

Chị Thoa cho biết, đến nay, gia đình đã phát triển lên 3 ha dâu. Mỗi lứa tằm (khoảng 15 ngày/lứa), chị Thoa nuôi 3- 4 hộp tằm, với năng suất thu được từ 55-70 kg kén/hộp. Với giá kén trên thị trường dao động khoảng 190.000 đồng -198.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hộp tằm, chị lãi hơn 10 triệu đồng.

Chị Trần Thị Thoa chia sẻ: “Trước đây, việc nuôi tằm rất vất vả nhưng hiện nay nhờ có giống, kỹ thuật và nguồn thức ăn bảo đảm nên sản xuất của gia đình rất hiệu quả và tiết kiệm. Điều đặc biệt, ngoài áp dụng phương pháp nuôi tằm trên nền nhà, gia đình còn dùng né gỗ cho tằm bám thay cho né tre truyền thống, từ đó góp phần làm giảm công lao động”.

Tương tự, năm 2019, chị Đoàn Thị Út Cưng, thôn Đắk Lang đã đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích 1 ha dâu và 3 hộp tằm/lứa. Sau 2 năm triển khai mô hình, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đã giúp gia đình chị Cưng thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã Quảng Khê.

Chị Đoàn Thị Út Cưng chia sẻ, nhờ áp dụng quy trình trồng, thâm canh giống dâu mới và kỹ thuật nuôi tằm chất lượng cao, bình quân mỗi hộp chị thu được khoảng 60kg kén. Ngoài ra, phân tằm được gia đình tận dụng để bón cho cây dâu, nhờ đó mà mỗi năm gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư mua phân bón.

ADQuảng cáo

“Trước đây, cả gia đình chỉ trông chờ vào xe nước mía nên thu nhập không ổn định. Sau khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn, cả 4 người con của vợ chồng tôi đều được đi học”, chị Cưng chia sẻ thêm.

nuoi-tam-2(1).jpg
Quảng Khê xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, qua đó tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Theo UBND xã Quảng Khê, năm 2020, trên địa bàn xã chỉ có vài hộ trồng dâu nuôi tằm với quy mô nhỏ. Đến nay, toàn xã đã có trên 100 hộ nuôi với diện tích trồng dâu hơn 50 ha. So với nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng dâu thấp, nuôi tằm nhanh cho thu hoạch, giá kén tương đối ổn định nên nghề trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là giúp giảm nghèo nhanh, bền vững.

Ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê thông tin, toàn xã hiện còn 165 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,8%). Để giảm nghèo nhanh và bền vững, địa phương xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, tạo sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo UBND xã Quảng Khê, khó khăn của nghề trồng dâu nuôi tằm là trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến. Chính điều này khiến việc tiêu thụ kén phải qua khâu trung gian, bị ép giá, làm giảm lợi nhuận của người nông dân. Do đó, mong muốn của chính quyền địa phương và nông dân là trong thời gian tới sẽ có doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ kén lâu dài để bà con yên tâm đầu tư mở rộng quy mô nuôi.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề “ăn cơm đứng” - mô hình thoát nghèo ở Quảng Khê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO