Nghề “ăn cơm đứng” góp phần giảm nghèo ở Quảng Tân
Mặc dù mới thành lập, nhưng Hợp tác xã (HTX) Dâu tơ tằm Bình Minh ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) đã thu hút nhiều bà con tham gia, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Năm 2020, ông Nguyễn Văn Bình, bon Ja Lú A, xã Quảng Tân đã mạnh dạn sử dụng 3 ha đất của gia đình chuyển sang trồng cây dâu nuôi tằm. Cây dâu dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng trong vùng nên sinh trưởng tốt, sau 4 tháng có thể thu hoạch lá. Để việc trồng cây dâu được thuận lợi, gia đình ông Bình đã lắp hệ thống tưới nước tự động giúp cây dâu luôn đạt trạng thái sinh trưởng tốt, cung cấp đủ thức ăn cho tằm, nhất là vào mùa khô.
Cùng với đó, ông đã đầu tư xây dựng 2 nhà nuôi tằm với diện tích hơn 1.000m2 và mua sắm các dụng cụ nuôi tằm. Tùy thuộc vào lượng dâu, mỗi tháng gia đình ông nuôi từ 15-20 hộp trứng tằm, thu về gần 1 tấn kén. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi tháng gia đình ông Bình thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Ông Bình chia sẻ: “Trong một chuyến đi thăm người thân tại tỉnh Lâm Đồng thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi học hỏi. Sau khi tìm hiểu thêm qua sách báo và một số hộ nuôi tằm trên địa bàn, tôi bàn với vợ chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu siêu cành".
Tương tự, gia đình ông Âu Văn Tưởng, bon Ja Lú A, xã Quảng Tân cũng chuyển đổi vườn rẫy cà phê cằn cỗi của gia đình để trồng dâu nuôi tằm. Hiện tại, gia đình ông Tưởng đầu tư trồng 1 ha dâu và làm nhà nuôi tằm rộng gần 100m2. Vào mùa mưa, gia đình ông nuôi được 4 hộp trứng tằm/tháng và mùa khô nuôi được 2 hộp trứng tằm/tháng. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu về khoảng 20 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng dâu nuôi tằm của ông Bình, ông Tưởng, bà con bon Ja Lú A và bon Ja Lú B xã Quảng Tân mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê già yếu, cằn cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, bà con cùng nhau thành HTX Dâu tơ tằm Bình Mình do ông Nguyễn Văn Bình làm chủ nhiệm.
Hiện nay, HTX Dâu tơ tằm Bình Minh có 15 hộ tham gia thành viên. Các hộ trồng từ 1-2 ha dâu, nuôi tằm, mỗi tháng trừ chi phí thu về hơn 10 triệu đồng. Tham gia vào HTX, cùng với việc tập huấn kỹ thuật, các thành viên còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm. HTX đã có công ty đặt vấn đề liên kết để phát triển sản xuất bền vững.
Ông Âu Văn Tưởng chia sẻ: “Tham gia vào HTX dâu tằm Bình Minh, gia đình có thu nhập ổn định, nhanh thu hồi vốn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi để cùng phát triển kinh tế”.
Cùng với hỗ trợ HTX về tập huấn, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho 9 thành viên của HTX vay vốn để trồng dâu nuôi tằm, với kinh phí là 270 triệu đồng.
Bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết: “Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Quảng Tân đã và đang phát huy được những kết quả ban đầu. Mô hình là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân, địa phương nơi đây".