Ảnh về những dấu mốc quan trọng trong 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp được trưng bày trang trọng. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức Chương trình "Ngày Việt Nam tại Pháp 2023".
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Pháp, đồng thời quảng bá hình ảnh của mỗi nước.
Tham dự có Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO Lê Thị Hồng Vân.
Về đại diện phía Pháp, có bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Việt-Pháp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan nghị viện, các hội đoàn hữu nghị Pháp với Việt Nam cùng đông đảo bà con Việt kiều, bạn bè Pháp và quốc tế.
Ảnh về những dấu mốc quan trọng trong 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp được trưng bày trang trọng. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc Việt Nam, được Tổ chức UNESCO tôn vinh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất", sinh thời luôn trân trọng những giá trị văn hóa Pháp. Khi đề cập đến mối quan hệ Việt-Pháp, Người luôn nhấn mạnh ý nghĩa và cố gắng xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp.
Trong buổi tiếp đón Ủy ban Trung ương Hội Pháp-Việt ngày 11/7/1946, Người đã nói, nước Việt Nam và nước Pháp phải cùng nhau xây đắp tương lai của mình một cách chặt chẽ. Cả hai nước đều có quyền lợi chung, có mối tình cảm chung, có một nền văn hóa và luân lý giống nhau và có chung một nguyện vọng tha thiết tự do.
Với sợi dây liên kết về lịch sử, văn hóa, hai nước đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách thăng trầm, để ngày 12/4/1973, Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tới ngày 25/9/2013, hai nước trở thành Đối tác chiến lược, mở ra một chặng đường mới, với mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tin cậy, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, bằng tình hữu nghị và khát khao chung sức cho hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân loại.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, hiện nay, Việt Nam và Pháp đang thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, Pháp ngữ, hợp tác địa phương... Trong đó, hợp tác văn hóa là một điểm sáng, đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hợp tác du lịch.
Đó là lý do mà cả hai nước đã chọn chủ đề "Văn hóa sẻ chia" để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Chủ đề này thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa trong quan hệ hai nước, góp phần làm sâu sắc và gia tăng sự tin cậy trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Để khẳng định quan hệ gắn bó giữa hai nước, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc trích dẫn nhận định sâu sắc của Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong chuyến thăm Việt Nam năm 2004: "Tiếng nói của Việt Nam đã chạm đến trái tim của người Pháp". Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cũng đã có chia sẻ rất ấn tượng: "Và hôm nay, tôi tin tưởng rằng tiếng nói của người Pháp cũng chạm đến trái tim của người Việt Nam". Những lời nhận xét đó đã nói lên tất cả tình cảm mà hai dân tộc dành cho nhau.
Điểm lại những năm tháng gắn bó và ủng hộ hết lòng của những người Pháp yêu chuộng hòa bình dành cho Việt Nam, bà Hélène Luc cho biết đàm phán Hiệp định Paris là một giai đoạn không thể nào quên. Khi đó những người bạn Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ cho tới các lực lượng chính trị, xã hội, tôn giáo và hiệp hội ở Pháp. Năm 1973 đã mở ra một chương mới, không chỉ đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn với cả quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Bà Hélène Luc cho biết, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, có nhà báo từng dự báo: 100 năm sau Việt Nam mới trở thành nước hiện đại. Vậy mà chỉ sau 50 năm, các bạn Việt Nam đã thực hiện được điều đó. (Ảnh: Minh Duy) |
Theo bà Hélène Luc, có được sự gắn kết và ủng hộ lẫn nhau đáng quý như vậy là nhờ có những người dày công vun đắp như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng ngời về phẩm chất và bản lĩnh ngoại giao. Trong hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam đã tranh thủ gây dựng tình bạn với nhân dân các nước thông qua trao đổi về chính trị, văn hóa. Cũng chính từ ngoại giao văn hóa, nhân dân hai nước ngày càng trở nên đồng cảm, gắn bó hơn trong suốt nửa thế kỷ qua.
Bà Hélène Luc cũng khẳng định, tiếng nói của Việt Nam đã chạm đến trái tim người Pháp và tiếng nói Pháp chạm đến trái tim người Việt Nam. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều cảm nhận rõ ràng.
Bà Armelle DG giới thiệu những bức ảnh chụp trong hành trình dài khám phá non nước Việt Nam, nơi bà gắn bó gần 8 năm. (Ảnh: Minh Duy) |
Chương trình "Ngày Việt Nam tại Pháp năm 2023" gồm hai phần: "Không gian văn hóa Việt Nam" và "Chương trình biểu diễn nghệ thuật" với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ hai nước.
Tại "Không gian văn hóa Việt Nam", các đại biểu cùng bà con Việt kiều và bạn bè Pháp được ngược dòng thời gian, nhìn lại những dấu mốc lịch sử trong 50 năm qua các bức ảnh ghi lại những hoạt động ngoại giao quan trọng giữa hai nước.
Những bạn trẻ gốc Việt rất thích thú xem nặn tò he, một nét văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Các bức ảnh về di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam mang đến hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, hùng vĩ, giàu bản sắc. Trong khi đó, đời sống bình dị nhưng giàu bản sắc văn hóa của người Việt Nam được phản ánh rõ nét những bức ảnh với chủ đề "Việt Nam tôi yêu" thông qua "góc nhìn" của một người bạn Pháp, bà Armelle DG, Phu nhân của ông Nicolas Warnery, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Khách tham quan được chiêm ngưỡng 25 tác phẩm sơn mài khắc có chủ đề "Dấu ấn kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội", minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Chương trình còn có các hoạt động tương tác văn hóa như: chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam, tham gia nặn tò he, thực hành in tranh Đông Hồ, thử các trang phục cổ của triều Nguyễn, hay thưởng thức tô Phở Thìn Bờ Hồ nóng hổi - món ăn thuần Việt nổi tiếng với hương vị gây thương nhớ.
Thưởng thức tô Phở Thìn Bờ Hồ nóng hổi ở giữa thủ đô Paris hoa lệ. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề "Sắc màu Việt" mang đến các tiết mục đa dạng như: dân ca Ví, giặm, dân ca Nam Bộ, múa Chăm, múa Lân Sư Rồng, trình diễn áo dài, nhằm mang truyền tải câu chuyện văn hoá của Việt Nam thông qua các hình thức nghệ thuật trên sân khấu truyền thống.
Tiết mục "Múa tắm sen" do Vũ đoàn Đông Đô thể hiện, giới thiệu nét đẹp và duyên dáng của những cô gái Việt Nam. (Ảnh: Minh Duy) |
Trong hai ngày, 9 và 10/11, Chương trình "Ngày Việt Nam năm 2023" giới thiệu đến bạn bè Pháp và quốc tế hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, thanh bình, mến khách, phát triển năng động và giàu truyền thống văn hóa, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ lâu năm giữa Việt Nam và Pháp.