Cô em bên chồng công tác tại Công an tỉnh Điện Biên gọi điện hỏi thăm gia đình, kể chuyện đông tây lại nhắc đến cuộc hội ngộ đầu tiên của chị em trên mảnh đất ấy cách đây gần chín năm. Cái khoảng thời gian xa nhau ấy không quá dài nhưng vẫn đong đầy trong tôi những ký ức về một Điện Biên lịch sử mà thật may mắn khi tôi có dịp được đặt chân đến.
Đến với Điện Biên năm ấy, không chỉ riêng tôi mà tất cả những thành viên khác trong đoàn là những kỷ niệm đẹp và không thể nào quên. Tất cả đã trở thành kỷ niệm và nỗi nhớ về một Điện Biên anh hùng trong lòng văn nghệ sỹ Đắk Nông.
Thành phố Điện Biên không lớn, chỉ một vài con phố chạy ngang dọc nhưng tương đối tấp nập và sầm uất. Đây là nơi có địa danh lịch sử và những khu du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Dịp chúng tôi đến là tháng 7 năm 2013, trùng hợp với thời gian mà đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam cùng các nhà văn, nhà báo Trung ương đến thực hiện bộ phim chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm ấy, phố phường Điện Biên dường như đông hơn, tấp nập hơn mọi ngày. Thành phố này nằm gọn trong thung lũng Mường Thanh, là khu di tích khổng lồ - nơi ghi dấu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những nghĩa trang, ụ pháo, hầm hào vẫn còn đây. Dù đã bị bào mòn bởi thời gian nhưng những di tích ấy vẫn hiện hữu và lưu lại hình ảnh chiến tích oai hùng. Các di tích lịch sử của Điện Biên nằm không xa nhau là mấy, đồi A1 ở phường Mường Thanh, trên đỉnh Tây Bắc có Đài kỷ niệm, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng vàng. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries ở cánh đồng Mường Thanh địch vẫn tung bay. Vị trí, cấu trúc và cách sắp xếp của khu hầm theo lời của người hướng dẫn của Bảo tàng Điện Biên cơ bản vẫn được giữ nguyên. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Đi sâu vào các hầm hào, tôi cảm nhận được sự đầu tư công phu của địch trong việc xây dựng căn cứ phòng thủ. Phía ngoài hệ thống phòng thủ là những đường hầm, hào của bộ đội ta...
Ảnh tư liệu |
Bảo tàng Điện Biên nằm ở trung tâm thành phố, đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1. Tham quan bảo tàng thật ấn tượng, nhất là những hình ảnh sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ và lời thuyết minh của chị Hằng – hướng dẫn viên. Lời thuyết minh ngọt ngào, ấm áp như được nhân lên sự cảm xúc, và càng thấm thía hơn những hy sinh mất mát của các thế hệ ông cha để có hòa bình của đất nước hôm nay.
Địa danh mà cả đoàn ai cũng nhớ là di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25 km. Chúng tôi phải đi bộ xuyên rừng hơn 2 km mới đến được địa phận của Sở Chỉ huy. Mọi người đầm đìa mồ hôi và thấm mệt nhưng ai cũng hứng khởi khi lần đầu tiên đặt chân đến nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả dường như vẫn còn nguyên, được tái hiện từng chi tiết nhỏ. Qua lời của cô hướng dẫn viên người Thái duyên dáng càng thêm lôi cuốn. Từng chiếc bàn làm việc, nơi ăn, ngủ của Đại tướng, chòi canh, đài quan sát, căn hầm chỉ huy và thông tin liên lạc xuyên núi dài 96 m nối liền giữa lán của Đại tướng và Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vẫn được lưu giữ, bảo tồn, tôn tạo thường xuyên. Mọi người tham quan tất cả, không bỏ sót bất kỳ một vị trí, chi tiết nào trong Sở Chỉ huy. Ai cũng trầm trồ, thán phục về nơi ẩn mình của cơ quan đầu não của bộ đội ta trong chiến dịch.
Không có nhiều thời gian để đoàn có thể đi hết từng ngõ ngách, con đường của thành phố Điện Biên xinh đẹp, nhưng những địa danh và các tấm biển lịch sử đều được chúng tôi đọc và ghi lại bằng hình ảnh.
Chín năm qua đi, nhớ về Điện Biên, trong tôi mọi ký ức vẫn như ngày hôm qua, ngày đặt chân đến mảnh đất lịch sử này. Và như lời hứa với cô em chồng, ngày gần nhất tôi sẽ quay lại thăm Điện Biên.