Ngày đêm canh giấc ngủ cho đồng đội

Thanh Hằng| 27/07/2021 10:38

Gần 10 năm gắn bó với công việc quản trang cũng là thời gian ông Phùng Văn Toàn luôn trăn trở về những đồng đội đã khuất của mình. Hơn 200 phần mộ còn “chưa biết tên”, là từng ấy nỗi khắc khoải trong lòng người lính già đã 72 tuổi.

Trách nhiệm của người sống

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, thế nhưng mỗi lần nhắc đến ký ức đau thương mà hào hùng ấy, cựu chiến binh Phùng Văn Toàn (SN 1949, trú tại phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa) lại sống lại những kỷ niệm khó quên.

Ông Phùng Văn Toàn (bên trái) có gần 10 năm gắn bó với Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông

Ông Toàn là một trong những nhân chứng của lịch sử khi trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ thế kỷ trước. Theo ông Toàn, dù chỉ có hơn 5 năm tham gia cuộc kháng chiến “trường kỳ và gian khổ” ấy, nhưng cũng đủ để ông chứng kiến những vinh quang và chiến thắng cũng như sự tàn khốc của chiến tranh và cái giá phải trả, đó là sự mất mát, đau thương.

Ông Toàn cho biết, năm 1970, ông nhập ngũ rồi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B ác liệt (chiến trường miền Nam) cho đến ngày thống nhất đất nước. Đến năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra ở phía Bắc, ông tiếp tục tái ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.  

Năm 1992, ông Toàn cùng gia đình rời quê Vĩnh Phúc để vào Đắk Nông lập nghiệp. Gần 10 năm trước, ông xin được làm quản trang, hàng ngày lo hương khói cho những liệt sĩ được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông.

Chia sẻ về nguyện vọng này, ông Toàn tâm sự: “Gần 10 năm trong quân ngũ, nhưng tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội của mình hy sinh. Tôi may mắn được trở về lành lặn, không chỉ là hạnh phúc của bản thân mà là của cả gia đình, dòng tộc. Nhớ về những đồng đội của tôi, dù có những người chưa từng gặp mặt, họ ngã xuống vì sự nghiệp chung của Tổ quốc, hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, tôi là người còn sống, nên quyết định phải làm một điều gì đó với đồng đội của mình”.

Hàng ngày, ông Toàn đảm nhận công việc quét dọn, cắt tỉa cây cối

Đối với ông, quản trang không đơn giản là công việc, mà đó còn là trách nhiệm, ân tình của người lính còn sống đối với những đồng đội đã nằm xuống. Hàng ngày, ông Toàn đảm nhận công việc quét dọn, cắt tỉa cây cối và hướng dẫn thân nhân gia đình liệt sĩ khi tới thăm nom. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, vào mùng 1 và ngày rằm, ông cùng vợ đều lo hương khói cho tất cả các phần mộ liệt sĩ.

Ông Toàn cho biết, hiện tại ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh đang là nơi yên nghỉ của nhiều liệt sĩ quê ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang…Do điều kiện đường sá xa xôi, kinh tế khó khăn hoặc không sắp xếp được thời gian, nhiều gia đình cũng nhờ ông chăm sóc, thờ cúng, tổ chức giỗ cho các liệt sĩ.

“Việc thân nhân ở xa không thể vào được là do điều kiện không cho phép, mình không trách được. Chỉ cần gia đình, thân nhân các liệt sĩ gọi điện là tôi luôn sẵn sàng giúp hương khói. Không có người thân đến, mình là đồng đội thì mình phải có trách nhiệm với các đồng chí ấy”, ông Toàn chia sẻ.

Trăn trở với người đã khuất

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông nằm ngay trung tâm TP. Gia Nghĩa. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, cơ sở vật chất của nghĩa trang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, khang trang và sạch đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong số hơn 500 phần mộ liệt sĩ đang ở đây thì gần một nửa vẫn chưa xác định được nhân thân, quê quán. Chính những phần mộ liệt sĩ chưa có tên tuổi, quê quán ấy khiến người lính già luôn khắc khoải trong lòng.

Ông Toàn tâm sự, trong gần 10 năm qua, công việc quản trang giúp ông tiếp xúc với rất nhiều thân nhân liệt sĩ. Có những người từ các tỉnh phía Bắc, lặn lội vào tận Tây Nguyên để tìm hài cốt của người thân với chỉ một thông tin duy nhất, đó là tờ giấy báo tử, thông báo hy sinh tại khu vực nào.

Chứng kiến những bà cụ, những người vợ đầu đã bạc, lưng đã còng, mang khát khao lớn nhất là tìm được hài cốt của người thân, ông Toàn nhiều lần không giấu nổi nước mắt. Thế nhưng, những thông tin mong manh khiến nhiều cuộc tìm kiếm không đi đến kết quả cuối cùng, nhiều người trở về trong nỗi thất vọng. Điều ấy càng khiến ông Toàn day dứt, trăn trở hơn.

“Có những liệt sĩ, khi tìm thấy chỉ còn là nắm đất, may mắn thì còn lại vài mẩu xương cùng đồ dùng cá nhân. Chính vì thế, khi thân nhân đến tìm, phải nhờ đến việc xét nghiệm ADN mới cho ra kết quả. Nhiều người thân liệt sĩ, mang hy vọng từ Bắc vào đây rồi lại thất vọng, xót xa trở về”, ông Toàn nhớ lại.

Chính những phần mộ liệt sĩ chưa có tên tuổi, quê quán khiến ông Toàn luôn khắc khoải trong lòng

Đưa mắt nhìn về phía những ngôi mộ thẳng hàng, nằm lặng lẽ giữa Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, đôi mắt ông Toàn đỏ hoe: “Tôi chỉ ước, những ngôi mộ kia sẽ có tên tuổi và những đồng đội của tôi sẽ sớm được về với gia đình. Bản thân tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng còn sống ngày nào, tôi vẫn ở đây, canh giấc ngủ cho anh em và chờ người thân của anh em đến thăm hay đón các anh về với quê hương”.

Trước những đóng góp đối với công tác chăm sóc, bảo vệ Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông, năm 2020, ông Toàn là 1 trong 3 cá nhân của tỉnh Đắk Nông được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên dương "Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Trở về từ chương trình ý nghĩa ấy, ông Toàn cho biết, đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm để ông tiếp tục gắn bó với công việc quản trang.

“Hòa bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay phải đổi bằng biết bao máu xương của các anh hùng, liệt sĩ. Tôi hy vọng, thế hệ trẻ luôn tiếp bước cha anh, phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, xây dựng đất nước phát triển hơn nữa”, ông Toàn tâm sự về những mong mỏi của mình.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/ngay-dem-canh-giac-ngu-cho-dong-doi-87953.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/ngay-dem-canh-giac-ngu-cho-dong-doi-87953.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ngày đêm canh giấc ngủ cho đồng đội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO