Y tế - Sức khỏe

Ngành Y tế Đắk Nông nỗ lực không ngừng vì người bệnh

PT-HD 27/12/2024 18:12

Ngành Y tế Đắk Nông không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, với nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến được triển khai, áp dụng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Xử lý thành công nhiều ca bệnh khó

Đầu tháng 11/2024, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Nông thực hiện thành công ca mổ phức tạp cho bệnh nhân gãy đốt sống thắt lưng. Bệnh nhân được mổ là ông Đ.N.Đ (SN 1969), thôn 8, Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Trước đó, bệnh nhân Đ.N.Đ ngã từ độ cao 3m, dẫn đến chấn thương vùng mông, lưng, được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Ca mổ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thực hiện thành công ca mổ phức tạp cho bệnh nhân gãy đốt sống thắt lưng đối với bệnh nhân Đ.N.Đ (SN 1969), thôn 8, Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) (Ảnh: Ngô Đồng)

Qua quá trình chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị gãy đốt sống D12 và gãy xương sườn số 12 bên trái. Để phục hồi chức năng và ổn định cột sống, ê kíp phẫu thuật đã quyết định áp dụng phương pháp mổ cố định cột sống lồng VIS qua cuống. Ca mổ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm do BS.CKI Nguyễn Văn Tam làm kíp trưởng. Với sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý, ca mổ đã diễn ra thành công.

Tháng 3/2024, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh đã thành công áp dụng thuốc tiêu sợi huyết để cấp cứu cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Đây là trường hợp đầu tiên tại BVĐK tỉnh được sử dụng thuốc này trong điều trị bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân P.V.T, 76 tuổi, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa có tiền sử đau thắt ngực. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, có biểu hiện của suy tim cấp, suy hô hấp rất nặng, kích thích vật vã. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được các bác sĩ đặt ống nội khí quản và thực hiện thở máy. Sau hội ý, các bác sĩ đã quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết để cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Sau 60 phút điều trị, các chỉ số trên điện tâm đồ cho thấy tim bệnh nhân đã trở lại hoạt động bình thường.

Bác sĩ Thương tận tình hướng dẫn sử dụng máy móc cho các điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông
Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao (Ảnh: Hồng Duyên)

Cũng trong tháng 3/2024, Khoa Chấn thương- Bỏng, BVĐK tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch liên quan chấn thương sọ não. Nhờ được các y, bác sĩ nhanh chóng mổ cấp cứu kịp thời nên tất cả bệnh nhân đều đã được cứu sống, hồi phục tốt và đã được xuất viện về nhà.

Áp dụng nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến

Theo Sở Y tế, hệ thống KCB của tỉnh Đắk Nông gồm 1 BVĐK tuyến tỉnh, 7 TTYT huyện và 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, các cơ sở KCB từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật từ cơ bản đến chất lượng cao.

Trong đó, BVĐK tỉnh đã triển khai được một số kỹ thuật mới, tiên tiến trong điều trị bệnh nhân như: phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi cắt tử cung, phẫu thuật giải phóng chèn ép chấn thương thắt lưng, phẫu thuật chấn thương sọ não, tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, vi khuẩn nuôi cấy, định danh hệ thống tự động…

goài việc phát huy tối đa nguồn nhân lực sẵn có, bệnh viện cũng rất chú trọng coi việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ để thực hiện các kỹ thuật, phương pháp điều trị mới, tiên tiến
Ngoài việc phát huy tối đa nguồn nhân lực sẵn có, bệnh viện cũng rất chú trọng coi việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ để thực hiện các kỹ thuật, phương pháp điều trị mới, tiên tiến (Ảnh: Hồng Duyên)

Ông Trần Duy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Từ việc ứng dụng các kỹ thuật mới, chuyên sâu, bệnh viện đã cứu sống thành công nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, phức tạp. Chất lượng khám, điều trị ngày được nâng cao đã tạo điều kiện cho người dân được hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại chỗ mà không cần chuyển lên tuyến trên”.

Mặt khác, các cơ sở y tế không ngừng mở rộng dịch vụ kỹ thuật thông qua việc triển khai Chương trình hợp tác trong lĩnh vực Y tế với TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, BVĐK tỉnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác và hỗ trợ nâng cao năng lực y tế với Bệnh viện Mắt, giai đoạn 2024 – 2025. BVĐK tỉnh cử 2 nhân lực đào tạo tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để triển khai kỹ thuật “Đo tải lượng vi rút gây bệnh bằng kỹ thuật RT-PCR”. Bệnh viện Mắt tổ chức chuyển giao kỹ thuật “Phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (Phaco)” tại BVĐK tỉnh. Từ ngày 28/8/2024 đến nay thực hiện hơn 32 ca phẫu thuật mổ Phaco.

_dsc6127.jpg
Hệ thống máy móc chạy thận hiện đại của TTYT huyện Đắk R’lấp (Ảnh: Hồng Duyên)

Đối với tuyến huyện, Trung tâm Y tế các huyện đã làm việc trực tiếp và thống nhất nội dung hợp tác với các Bệnh viện tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh và cử các ekip đi đào tạo, học tập tại cơ sở y tế đã được ký kết, hợp tác.

Theo đánh giá của Sở Y tế Đắk Nông về phát triển chuyên môn kỹ thuật, trung bình các TTYT tuyến huyện và bệnh viện tỉnh thực hiện được từ 60-80% kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến của Bộ Y tế. Việc triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến trong công tác khám bệnh, chữa bệnh đã giúp cho việc cấp cứu, điều trị hiệu quả hơn, trong khi người dân giảm được đáng kể viện phí, chi phí đi lại chữa bệnh vì được điều trị ngay tại địa phương.

Tuy nhiên, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện tại đang gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng trang thiết bị đồng bộ cho triển khai kỹ thuật mới cũng như việc thiếu hụt ê kíp thực hiện các kỹ thuật cao. Để các bệnh viện có thể triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, ngành Y tế tỉnh cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực cho y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư về trang thiết bị hiện đại.

Nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa

Tại Đắk Nông, mô hình “bệnh viện vệ tinh” được xem là bước khởi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, BVĐK tỉnh Đắk Nông trên cơ sở là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân Dân 115, TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y học nên năng lực cung cấp dịch vụ KCB được nâng cao.

Theo ông Trần Duy Dũng, Giám đốc BVĐK tỉnh Đắk Nông, qua thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình “Bệnh viện vệ tinh” đã giúp bệnh viện tuyến dưới đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, phát huy được năng lực sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư. Vì vậy, bệnh viện không những nâng cao năng lực KCB tại chỗ mà còn có thể nhận tư vấn KCB từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Người dân giảm thiểu được nhiều chi phí khi KCB và có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao.

Nhiều danh mục kỹ thuật đã được đưa vào sử dụng tại TTYT Đắk Mil
Nhiều danh mục kỹ thuật đã được đưa vào sử dụng tại TTYT Đắk Mil

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tuyến dưới trong tỉnh còn được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB và sự hài lòng của người dân nông thôn.

Đến nay, 4/9 cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông gồm: BVĐK tỉnh; 3 TTYT huyện Đắk Mil, Cư Jút và Đắk R’lấp triển khai việc kết nối với trung tâm hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB các tuyến, giúp người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, Sở Y tế Đắk Nông đã xây dựng Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2024.

Trung tâm Y tế Đắk R
Trung tâm Y tế Đắk R'lấp được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại (Ảnh: Hồng Duyên)

Bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế cho rằng đề án khám, chữa bệnh từ xa là hết sức cần thiết trong giai đoạn triển khai số hóa ngành Y tế theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và nhu cầu công tác KCB thực tế của địa phương.

Đề án hướng đến nâng cao chất lượng KCB và năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tại địa phương. Không những giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đề án khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ngành Y tế Đắk Nông nỗ lực không ngừng vì người bệnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO