Ngành Y tế Đắk Nông kiến nghị tháo gỡ hàng loạt khó khăn
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội mới đây về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều khó khăn, thách thức của ngành Y tế Đắk Nông đã được nêu ra, cần sự vào cuộc giải quyết từ trung ương đến cơ sở.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo đánh giá của Sở Y tế, các nhiệm vụ, giải pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng quy định tại Nghị quyết số 99/2023/QH15 được các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả và kịp thời.
Qua đó, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ở tất cả các tuyến, cung ứng dịch vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tại địa phương.
Các dịch bệnh luôn nằm trong tầm kiểm soát, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao liên quan đến lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở luôn đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.

Hàng năm, ngành Y tế tổ chức đào tạo trung bình 30 bác sĩ chuyên khoa I và 3 bác sĩ chuyên khoa II. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách bố trí cho công tác này chỉ đáp ứng khoảng 30%, nên tỉnh phải tận dụng các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, nguồn thu và của cá nhân tự túc để thực hiện công tác đào tạo dài hạn và bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, mục tiêu chung là dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng nhưng trên thực tế, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng vẫn chưa đạt (năm 2023 là 25,6% và năm 2024 là 23,8%). Định mức chi thường xuyên thấp trong khi ngành Y tế vẫn phải vận hành các hoạt động thường xuyên của hệ thống nên phần chênh lệch thu, chi hàng năm để cân đối trích lập các quỹ, chi tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động rất thấp hoặc không có.
Mặt khác, hoạt động và chỉ tiêu chuyên môn được giao năm sau đều cao hơn năm trước, nhưng kinh phí do ngân sách cấp năm sau lại thường thấp hơn năm trước. Vì vậy, các cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Điều này, gây khó khăn cho việc thu hút bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ cao về công tác tại tỉnh.
Đi đôi với đó, theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, ngành Y tế tỉnh còn thiếu 664 biên chế viên chức đến năm 2026. Trong đó, tuyến y tế cơ sở (huyện, xã) thiếu hơn 470 biên chế để đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ và bố trí theo đúng vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Ngoài ra, máy móc hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu làm việc và chuyển đổi số. Nhân lực chuyên trách CNTT còn mỏng và phải kiêm nhiệm, dẫn đến khó khăn trong công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Việc thực hiện kết nối, chia sẻ và đồng bộ liên thông dữ liệu trên các phần mềm tiêm chủng chưa được đổ về hồ sơ sức khỏe điện tử, phải thực hiện nhập liệu thủ công, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.
Tập trung gỡ khó, nâng cao chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Trước những khó khăn, thách thức ngành Y tế Đắk Nông mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy phát triển, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới.
Bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết: Thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương tạm dừng việc chuyển trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý và chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Điều này phù hợp với chủ trương chung hiện nay là không tổ chức chính quyền cấp huyện, thành phố. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cần tiếp tục giữ nguyên cơ chế quản lý ngành dọc như hiện nay. Tức là các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, hệ thống trạm y tế xã vẫn trực thuộc Sở Y tế quản lý.
Trung ương không cắt giảm biên chế mà nên bổ sung, bảo đảm định mức biên chế theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành, bảo đảm nguồn thu để đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao.
Các chính sách, ngân sách Nhà nước cho y tế dự phòng và y tế cơ sở tiếp tục được quan tâm, chăm lo. Trọng tâm là tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, cho y tế tuyến huyện, xã và y tế dự phòng. Phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở cần được đổi mới theo hướng dựa trên kết quả đầu ra. Việc chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở cũng cần đổi mới theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cùng với tăng cường chính sách, pháp luật y tế dự phòng, tăng mức thu nhập cho viên chức làm công tác y tế dự phòng, Nhà nước có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân viên y tế về làm việc tại y tế tuyến huyện, xã để giảm tải bệnh nhân cho bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển thích đáng các nguồn lực có trọng tâm, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở y tế dự phòng.
Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, do hiện nay các chế độ, phụ cấp được quy định đã lâu, không còn phù hợp.
Các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân và thực hiện công tác y tế dự phòng.