Ngành Y tế cần phải dốc toàn lực xây dựng các văn bản hướng dẫn để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống

23/02/2023 10:16

Trong năm 2023, ngành y tế cần phải dốc toàn lực để xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành các quy định như tự chủ bệnh viện, xã hội hóa y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh… Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ giúp 'bộ mặt' ngành y tế thay đổi - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Huy Quang: Trong năm 2023, ngành y tế phải dốc toàn lực xây dựng văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thi hành các quy định như tự chủ bệnh viện, xã hội hóa y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có rất nhiều quy định mới liên quan đến hành nghề

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có rất nhiều quy định mới liên quan tới người hành nghề.

Một trong số đó là việc thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Chia sẻ quan điểm trên báo Đầu tư, ông Quang cho rằng, quy định nêu trên bảo đảm mục tiêu người hành nghề đủ khả năng để thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh một cách an toàn, hiệu quả. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với yêu cầu sử dụng nhân lực trong thực tiễn.

Một quy định mới nữa mà Luật đưa ra là giấy phép hành nghề của nhân viên y tế có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Quy định này là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề. Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề cũng như phải chứng minh mình còn đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Người dân được lợi gì?

Về phía người dân, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, Luật đã thay đổi quy định từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn, tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn, hạn chế phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối, gây tốn kém và quá tải bệnh viện tuyến cuối.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Luật đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ giúp 'bộ mặt' ngành y tế thay đổi - Ảnh 2.

Khắc phục bất cập về thanh toán chi phí khám chữa bệnh; tạo bệ đỡ cho cơ sở y tế công lập

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, giá khám, chữa bệnh được quy định tại Luật lần này đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, như sử dụng yếu tố phân hạng bệnh viện làm căn cứ để xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến cao hơn thực hiện kỹ thuật cao hơn, nhưng do ở hạng thấp hơn, nên chỉ được hưởng mức giá thấp.

Thực tế, hiện tại, giá dịch vụ y tế mới kết cấu được 2 yếu tố, gồm tiền lương và các chi phí trực tiếp. Muốn nâng chất lượng, thì phải đảm bảo giá khám, chữa bệnh đảm bảo đủ 4 yếu tố: chi phí trực tiếp; tiền lương - tiền công; chi phí quản lý; chi phí cho khấu hao thiết bị.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, khẳng định: "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao".

Đồng thời cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định nêu trên được xem như "bệ đỡ" với những cơ sở y tế công lập dù đã nỗ lực hết sức nhưng chưa đảm bảo được cân đối thu - chi (tức là thu không đủ bù chi, thì Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách trả lương cho cán bộ y tế), hoặc Nhà nước đặt hàng những nhiệm vụ cần thiết và cơ sở được trả chi phí.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế.

Nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sớm được thực thi 'bộ mặt' ngành y tế sẽ thay đổi

Để Luật sớm đi vào cuộc sống, cần phải sớm ban hành đẩy đủ các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ. Tiếp đó, Bộ Y tế phải ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện.

TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế là cần phải dốc toàn lực để xây dựng văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thi hành các quy định như tự chủ bệnh viện, xã hội hóa y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Cùng với đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống bằng cách truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đối tượng truyền thông trước tiên là Bộ Y tế, sau đó là các sở y tế, cán bộ y tế, các bộ, ngành liên quan và người dân. Người dân là đối tượng thụ hưởng Luật, người dân có hiểu, thì mới thi hành được Luật.

Các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước cũng cần có bước chuẩn bị để khi Luật có hiệu lực phải tổ chức thực thi bằng các điều kiện bảo đảm, như đầu tư về cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn, công nghệ thông tin, nhân sự, bảo đảm yêu cầu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo kỹ năng thực hành y khoa.

Một vấn đề nữa là đối với các cơ sở y tế, hiện nay, nguồn tài chính chủ yếu vẫn là bảo hiểm y tế. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật Bảo hiểm y tế để có được nền tảng tài chính ổn định. Bởi nếu một cơ sở y tế mà bị bảo hiểm y tế xuất toán, treo quyết toán, thì không đủ nguồn lực để duy trì bộ máy, trả lương cho cán bộ y tế, chưa nói tới việc nâng cao trình độ, chất lượng khám, chữa bệnh.

Trên cơ sở Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phải cải cách thủ tục hành chính một cách cơ bản, toàn diện, công khai, minh bạch và phân cấp. Có như vậy, mới thực hiện được các nội dung mà Luật Khám bệnh, chữa bệnh đưa ra.

Là cơ quan chủ trì thực hiện Luật, Bộ Y tế cũng cần có các chỉ đạo để áp dụng công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh. Nếu làm tốt điều này, thì việc quản lý hệ thống dữ liệu sức khỏe quốc gia, quản lý nguồn tài chính tại các cơ sở y tế sẽ minh bạch và người dân cũng được giám sát. Chẳng hạn, nếu các cơ sở áp dụng đồng loạt bệnh án điện tử, thì không chỉ tiện lợi cho các cơ sở y tế, mà người dân cũng được lợi.

"Thiết nghĩ, nếu làm tốt những điều trên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ sớm được thực thi trong cuộc sống với những thay đổi tích cực, giúp "bộ mặt" ngành y tế được thay đổi, hạn chế những bất cập đang tồn tại bấy lâu trong ngành", TS. Nguyễn Huy Quang nêu quan điểm.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-se-giup-bo-mat-nganh-y-te-thay-doi-119230207104353944.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-se-giup-bo-mat-nganh-y-te-thay-doi-119230207104353944.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ngành Y tế cần phải dốc toàn lực xây dựng các văn bản hướng dẫn để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO