Chính trị

Ngành Tuyên giáo Đắk Nông đi trước mở đường (kỳ 2): Chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao

PV 01/08/2023 06:41

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngành Tuyên giáo trong tỉnh Đắk Nông luôn chủ động, sáng tạo đổi mới cách nghĩ, cách làm, nội dung, hình thức hoạt động góp phần tạo thống nhất, đồng bộ cao.

ADQuảng cáo

Đổi mới trong học tập, quán triệt nghị quyết

Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

img_3042(1).jpg
Công tác quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết, chuyên đề có nhiều đổi mới, phù hợp, đa dạng về hình thức.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, thời gian qua, các cấp ủy đảng đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Ngành đã tham mưu, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, xã.

Phương thức học tập, nghiên cứu, quán triệt được đổi mới theo hướng nâng cao tính tự giác; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã; kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy, Trung ương với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao, sát với thực tiễn địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết được chú trọng đổi mới nhiều hình thức như thi tìm hiểu nghị quyết; tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích cổ động. Các bản tin, tập san, cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương đều đẩy mạnh tin bài tuyên truyền thực hiện nghị quyết. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông, Tạp chí Nâm Nung mở chuyên mục đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Chất lượng tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ngày càng được nâng cao. Ban tuyên giáo các cấp đặc biệt quan tâm về chất lượng báo cáo viên tham gia báo cáo nghị quyết, chủ động mời báo cáo viên có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn sâu sắc để truyền đạt nghị quyết tại địa phương, đơn vị.

dsc03929(1).jpg
Quá trình thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực được khen thưởng.

Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 01, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành về thực hiện Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng có nhiều đổi mới, từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, thiết thực hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 28 mô hình mới, 21 vấn đề nổi cộm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết trong năm 2021 và giai đoạn 2022 – 2025; đồng thời xây dựng 333 mô hình mới về học tập, làm theo Bác góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tham mưu nhiều mô hình mới, cách làm hay

Không chỉ “đi trước mở đường”, ban tuyên giáo các cấp còn “đi cùng thực hiện” tham mưu cho cấp ủy duy trì, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực, sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

Điển hình, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai các mô hình như “Tiết học vùng biên”, “Tiếng loa biên phòng” nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, an ninh biên giới quốc gia cho người dân.

Trong đó, “Tiết học vùng biên” là mô hình được triển khai từ năm học 2018 - 2019, đến nay, mô hình đang được duy trì trong các trường học thuộc các xã biên giới. Mỗi lớp, mỗi tháng, các trường dành 2 tiết giảng dạy lý thuyết về các kiến thức liên quan đến biên giới cho học sinh. Mô hình này hiện đang được nhân rộng và triển khai ở hầu hết các đồn biên phòng trong toàn tỉnh.

Đảng ủy Công an tỉnh lồng ghép xây dựng mô hình “Tôi làm Công an xã" thành mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh. Đơn vị đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ thuộc cấp phòng đến thực hiện nhiệm vụ tại cấp xã để cùng với lực lượng công an xã thực hiện chủ trương 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con).

Đến nay, mô hình đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, lãnh đạo, toàn thể cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đối với yêu cầu, nhiệm vụ tại địa bàn cơ sở; thường xuyên tiếp xúc, tương tác với Nhân dân.

Đặc biệt, Cuộc thi Trắc nghiệm trực tuyến trên Internet tìm hiểu các kết luận, quy định của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) do Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự tham gia của hơn 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

img_0536(1).jpg
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động mời báo cáo viên có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn sâu sắc để truyền đạt nghị quyết tại địa phương, đơn vị.

Còn Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk R’lấp đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, đặc biệt là trong giai đoạn huyện đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều dự án lớn, trọng điểm đã, đang và sẽ được triển khai như Khu công nghiệp Nhân Cơ, Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thanh (Bình Phước) (đoạn qua huyện Đắk R'lấp).

Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng ban tuyên giáo các cấp luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, chủ động, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước chiến lĩnh trận địa tư tưởng.

Thời gian tới, ngành Tuyên giáo Đắk Nông kiên định 5 nội dung, 4 yêu cầu, 3 tập trung, 2 kiện toàn đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra. “Mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo luôn luôn tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, yêu nghề, tận tụy với công việc được giao, lao động thật sự nghiêm túc, khoa học góp phần thực hiện tốt phương châm “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ””, đồng chí Bùi Huy Thành, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để hoàn thành sứ mệnh “đi trước mở đường”, cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, hiểu biết rộng, đủ khả năng thuyết phục, vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân tin và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lý giải thuyết phục các vấn đề thực tiễn đang diễn ra.

bac-luu-trung.png

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nắm chắc, dự báo đúng, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; chú trọng định hướng, nắm bắt dư luận xã hội…”. Hiện thực hóa mục tiêu này, công tác tuyên giáo phải nâng cao tính dự báo, xây dựng được phương hướng, chiến lược trung hạn, dài hạn, đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ, kết nối được các mặt, các lĩnh vực để phát huy tốt hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tuyên giáo Đắk Nông đi trước mở đường (kỳ 2): Chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO