Ngành Thông tin - Truyền thông đóng góp gần 989.000 tỷ đồng vào GDP cả nước
Năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, đóng góp vào GDP cả nước khoảng 989.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.
Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị Tổng kết công tác Bộ TT- TT năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì tại điểm cầu Đắk Nông.
Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên Hợp Quốc cho thấy, năm 2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp Quốc năm 2003.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Tháng 9/2024, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cũng đã công bố Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu năm 2024 (GCI).
Theo đó, Việt Nam đã tăng 8 bậc kể từ báo cáo công bố năm 2021, vươn lên vị trí thứ 17/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.
Việt Nam đạt điểm gần như tuyệt đối cho 5 tiêu chí đánh giá của GCI và được xếp hạng quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu" (bậc cao nhất trong 5 bậc), là nhóm các quốc gia “làm gương". Đồng thời nằm trong top 3 nhóm các quốc gia dẫn đầu thế giới.
Tháng 11/2024, Liên minh Bưu chính thế giới UPU đã công bố chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của Việt Nam. Theo đó, Bưu chính Việt Nam năm 2024 được tăng hạng từ nhóm 6 (năm 2023) lên nhóm 8.
Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT-TT ước đạt 4.243.984 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109,478 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TT-TT ước đạt 989.016 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành TT- TT ước khoảng 1.542.994 lao động, tăng 02% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông và hạ tầng số đã được phủ rộng khắp, với tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng internet băng rộng cáp quang đạt 82,9%, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đã đặt ra đến năm 2025 tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời gian tới, ngành TT-TT cần tích cực đổi mới, sáng tạo, khắc phục những hạn chế, vượt qua những thách thức.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực dịch vụ, áp dụng mạnh mẽ AI và đẩy mạnh công nghiệp số. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay chúng ta rất thuận lợi, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Đây là mệnh lệnh, trách nhiệm của ngành trong tạo đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây cũng là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong thời gian tới.
“Chúng ta muốn có nền kinh tế số, phải có công nghệ số hiện đại. Muốn có công nghệ số hiện đại, phải phát triển được công nghiệp số. Muốn có được điều này phải hoàn thiện được vấn đề thế chế, pháp luật, đổi mới sáng tạo thì mới phát triển được”, Phó Thủ tướng lưu ý.