Giáo dục - Đào tạo

Ngành giáo dục Đắk Nông từng bước đổi mới căn bản và toàn diện

Nguyễn Hiền 29/08/2023 05:26

Gần 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực.

ADQuảng cáo

Lấy người học làm trung tâm

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29), tỉnh Đắk Nông đã ban hành các văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục, các địa phương triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, hướng đến mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

img_9104(1).jpg
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong các giờ dạy

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 29, chất lượng giáo dục của tỉnh Đắk Nông có sự chuyển biến tích cực, phát triển, nâng cao toàn diện ở tất cả các cấp học. Chuyển biến rõ nét nhất là từ trang bị kiến thức, tri thức cho học sinh sang giáo dục tập trung theo định hướng phát triển về phẩm chất và năng lực cho người học.

Cụ thể, ở bậc mầm non, ngành Giáo dục triển khai xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục. Hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ, bảo đảm liên thông, gắn kết với giáo dục phổ thông.

So với năm 2013, hiện nay tỷ lệ trẻ đến trường tăng 4%; huy động trẻ 5 tuổi ra lớp tăng 1,8%. Số lớp học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi nhà trẻ là 1,8%; mẫu giáo là 1,79%. Đặc biệt, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.

Bậc giáo dục phổ thông đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, lồng ghép và tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề, rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Giáo viên đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các hoạt động trải nghiệm, thực hành... Kết quả, năm học 2022-2023, bậc phổ thông có 97% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 12 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,5%.

Triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2025, nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Bậc tiểu học có 49.476 em được học môn Tiếng Anh, đạt 66.1%; 100% học sinh cấp THCS, THPT được học tiếng Anh theo các chương trình hiện hành. Toàn tỉnh có 43,4% học sinh tiểu học và 100% học sinh THCS, THPT học môn Tin học theo các chương trình hiện hành.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá

ADQuảng cáo

Thi, kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, tạo động lực, điều chỉnh hoạt động dạy và học, quản lý, xác nhận sự tiến bộ, thành tích học tập theo quy định trong chương trình giáo dục hiện hành. Phương pháp đánh giá đa dạng, có sự phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT gọn nhẹ đã giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Tuyển sinh đầu cấp THPT được tổ chức thi tuyển và xét tuyển không những đánh giá được năng lực học tập của học sinh mà còn thấy được chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Việc tích hợp hai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia đã giúp cho các cơ sở giáo dục giảm bớt áp lực phải thực hiện cùng lúc nhiều hoạt động đánh giá khác nhau. Hệ thống tiêu chí đánh giá rõ ràng, quy trình thực hiện chặt chẽ, khoa học nên việc triển khai thực hiện các hoạt động về kiểm định chất lượng giáo dục thuận lợi... Đến nay, toàn tỉnh có 187 trường mầm non, phổ thông được công nhận chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 59%.

Bên cạnh đó, Đắk Nông đổi mới căn bản hình thức và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục nghề nghiệp, chất lượng tay nghề của lao động qua đào tạo từng bước được nâng cao. Các cơ sở mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo. Nhờ đó, công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lực lượng lao động tham gia trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 32,5% đến năm 2022 tăng lên 50%.

Đổi mới đồng bộ

Đội ngũ cán bộ, giáo viên đóng vai trò quan trọng nên Đắk Nông đã ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, hoạt động xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Ngành Giáo dục tạo mọi điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên được đào tạo nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho 35.715 lượt giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà trường 416 lượt; bồi dưỡng lý luận chính trị 611 cán bộ quản lý, giáo viên; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 128 giáo viên dạy nhà trẻ, 5.330 giáo viên mẫu giáo.

img_8566(1).jpg
Trường THCS-THPT Trương Vĩnh Ký, huyện Đắk Mil được xây dựng khang trang, đầy đủ các phòng chức năng và phòng ở nội trú cho học sinh

Quy mô trường lớp được quan tâm cả về chất lượng và số lượng. Các chính sách phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn luôn được tỉnh chăm lo phát triển. Các trường, điểm trường tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nhằm được thành lập, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong khu vực được đến trường. Theo đó, năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 343 cơ sở giáo dục thì đến nay đã tăng lên 367 cơ sở; có 184 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp.

Cùng theo ông Phan Thanh Hải để tiếp tục đổi mới đồng bộ, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp để triển khai hiệu quả mục tiêu nghị quyết trong giai đoạn mới. Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở, tăng cường đầu tư nguồn lực cho giáo dục, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục.

do-hoa-duong-phong(1).jpg
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giáo dục Đắk Nông từng bước đổi mới căn bản và toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO