Giáo dục - Đào tạo

Ngành Giáo dục Đắk Nông đẩy mạnh chuyển đổi số

Nguyễn Hiền 08/11/2023 05:27

Chuyển đổi số (CĐS) và cải cách hành chính được ngành Giáo dục Đắk Nông xác định là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và giảng dạy.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thực hiện CĐS, ngành Giáo dục Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án CĐS ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”. Trong đó, ngành hướng tới mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, dạy và học trên môi trường số, trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT Đắk Nông đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện CĐS trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, 200/233 cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch và duy trì dạy học trực tuyến trên các nền tảng LMS, google meet, zalo... Sở GD-ĐT Đắk Nông cung cấp 16.404 nguồn học liệu điện tử. Nguồn học liệu đã kịp thời hỗ trợ địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống, chất lượng và đa dạng.
Các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành, triển khai hoặc tham dự các cuộc họp, hội nghị qua mạng, bảo đảm hiệu quả. Tất cả tài liệu họp, kế hoạch giảng dạy, chương trình công tác của trường học đều được số hóa (tạo mã QR code) để cán bộ quản lý, giáo viên truy cập thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn. Nhiều đơn vị thực hiện tốt như huyện Đắk Song, Đắk Mil, TP. Gia Nghĩa; Trường THPT Đắk Mil (Đắk Mil), Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) và Trường THPT Đắk Song (Đắk Song).

Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thủy, chủ nhiệm lớp 8A4, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin là hoạt động không thể thiếu đối với giáo viên trong tất cả các khâu như tự học, soạn giáo án, dạy học trên lớp… Đặc biệt, việc dạy học bằng các thiết bị điện tử giúp cho chất lượng giờ dạy được nâng cao rõ rệt. Giáo viên có thể cung cấp hình ảnh trực quan để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và thu hút sự chú ý, ghi nhớ hơn của học sinh. Ít nhất mỗi tuần tôi sẽ dạy bằng máy chiếu 3-4 tiết”.

img_9747(1).jpg
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) ứng dụng CNTT trong các hoạt động chào cờ, ngoại khóa

100% các cơ sở giáo dục đã kết nối internet tốc độ cao. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được cập nhật đầy đủ thông tin của 367 cơ sở giáo dục, trên 10 ngàn hồ sơ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 182.675 hồ sơ học sinh. 232/233 cơ sở giáo dục phổ thông triển khai phần mềm quản trị trường học; 188/233 cơ sở giáo dục triển khai sổ điểm điện tử; 33/35 cơ sở triển khai chữ ký số.

Sở GD-ĐT Đắk Nông hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học. Đến nay, toàn tỉnh đã có 206/233 cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện. Năm 2022, Sở GD-ĐT xếp loại khá, thuộc Top 10 các sở, ngành trong CĐS của tỉnh Đắk Nông

ADQuảng cáo
ket-qua-chuyen-doi-so-va-cchc-1-.png

Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng

Cùng với CĐS, ngành Giáo dục Đắk Nông đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc quản lý chuyên ngành lĩnh vực GD-ĐT gồm 125 thủ tục, trong đó có 84 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 36 thủ tục hành chính cấp huyện và 5 thủ tục hành chính cấp xã. Sở GD-ĐT cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 27 thủ tục hành chính. Trong năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã tiếp nhận, giải quyết 527/527 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 457 thủ tục hành chính tiếp nhận online, chiếm 86,7%.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Song (Đắk Song), việc cải cách hành chính hỗ trợ rất lớn đối với nhà trường trong quá trình quản lý và tổ chức các hoạt động. Trước đây, khi xử lý một số thủ tục, trường phải lên tận Sở GD-ĐT để xin hướng dẫn, chỉ đạo nên mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại. Hay những trường hợp học sinh xin chuyển trường phải có ý kiến của Sở nên phải đợi, có khi mất cả tuần. Nhưng từ khi ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính thì chỉ cần khoảng 1 giờ có khi nhanh hơn là đã có kết quả. Nhờ đó, nhà trường xử lý nhanh hơn cho phụ huynh, người đến giao dịch.

img_9703(1).jpg
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành, phường Nghĩa Trung (TP. Gia Nghĩa) ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên trong các tiết giảng

Còn theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, thực tế việc triển khai CĐS, cải cách hành chính đã cho thấy những lợi ích thiết thực. Công tác quản lý từng bước linh hoạt và kịp thời hơn. Các cơ sở giáo dục áp dụng CĐS đã củng cố và tăng cường được vai trò quản lý của mình một cách hiệu quả. Việc xử lý trên các phần mềm nhanh gọn, rút ngắn thời gian, giảm được chi phí và thời gian đi lại cho phụ huynh và các cơ sở giáo dục. Công tác cải cách hành chính giúp rút ngắn quy trình thực hiện giao dịch cũng như phân quyền cho đơn vị liên quan nên phát huy hết được vai trò, trách nhiệm.

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin xuống cấp; kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, mua sắm trang bị thiết bị phòng máy vi tính, phòng dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Việc cập nhật đầy đủ thông tin cán bộ, công chức, viên chức trên hệ thống phần mềm thông tin quản lý của tỉnh, các trường thiếu đánh giá, hồ sơ gốc chưa đầy đủ...

Cũng theo ông Trần Sĩ Thành, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, cải cách hành chính đồng bộ, cả trong quản lý giáo dục và dạy học, hướng đến mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, quản lý giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng trong GD-ĐT.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Giáo dục Đắk Nông đẩy mạnh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO