Ngân sách Đắk Nông dự báo hụt thu gần 400 tỷ đồng
Năm 2024, kế hoạch thu ngân sách tại Đắk Nông 3.300 tỷ đồng nhưng dự kiến chỉ đạt 88%, hụt thu khoảng 400 tỷ đồng.
Nhiều địa bàn đạt thấp
Đến hết tháng 9/2024, Đắk Nông thực hiện thu ngân sách Nhà nước được 2.199 tỷ đồng, đạt gần 75% dự toán Trung ương và 66% dự toán địa phương. Với kết quả này, Đắk Nông là địa phương có số thu ngân sách thấp nhất các tỉnh Tây Nguyên.
TP. Gia nghĩa hiện là địa bàn có số thu ngân sách khá thấp. Đến hết tháng 9/2024, Gia Nghĩa mới thực hiện được 216 tỷ đồng, đạt 57% dự toán HĐND tỉnh giao.
Tuy nhiên trong đó, nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí đạt tỷ lệ khá cao. Riêng nguồn thu từ sử dụng đất, địa phương mới thực hiện được 120,4/500 tỷ đồng, đạt 19,3%.
Theo Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương, nguồn thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp là do thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn. Hiện nay, thu từ tái định cư và công tác đấu giá đất chưa cao. Nguyên nhân là do vướng quy hoạch chi tiết và một số lý do chủ quan khác.
Tại huyện Đắk Mil, số thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm thực hiện được trên 70% kế hoạch đề ra. Huyện lý giải là do nguồn thu chủ yếu từ thu phí chuyển mục đích sử dụng đất, phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ thấp. Riêng thu từ việc bán đấu giá đất chiếm tỷ lệ cao nhưng triển khai còn chậm.
Liên quan đến thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nghiêm Hồng Quang cho hay, nguồn thu đạt thấp là do thu sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đạt thấp. Dự kiến đến hết năm 2024, Đắk Nông thu được khoảng 400 tỷ đồng trong tổng kế hoạch 850 tỷ đồng ở lĩnh vực này.
Nhiều lô đất đấu giá từ 2-3 lần, thậm chí giảm giá rất nhiều lần nhưng không thành công. Điển hình như tại TP. Gia Nghĩa, kế hoạch thu khoảng 200 tỷ đồng từ đấu giá đất, nhưng đến nay mới thực hiện 50 tỷ đồng.
"Vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là vướng quy trình, thủ tục hành chính. Kế hoạch sử dụng đất chưa có nên gặp khó trong công tác đấu giá", ông Quang nhấn mạnh.
Nỗ lực vượt khó
Theo Sở Tài chính, ngoài số thu tiền sử dụng đất đạt thấp, trong năm 2024, nguồn thu từ thủy điện giảm do tình trạng hạn hán kéo dài thời điểm đầu năm. Nguồn thu bảo vệ môi trường từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ giảm sâu, ảnh hưởng số thu ngân sách.
Giám đốc Sở Tài chính Nghiêm Hồng Quang cho rằng, ngân sách muốn cải thiện, yếu tố quan trọng là phải tăng thu tiền sử dụng đất. Các địa phương nên xem xét quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để có giải pháp khuyến khích hộ dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.
“Nếu các địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền, công khai thông tin, người dân sẽ tích cực hưởng ứng, qua đó, tăng thu ngân sách”, ông Quang đề xuất.
Theo ông Quang, các huyện, thành phố tích cực, quyết liệt trong hoàn thiện các thủ tục liên quan. Việc đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất, thửa đất được phân cấp quản lý cần chú trọng hơn.
Các địa phương cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Riêng ngành Thuế tập trung chỉ đạo sát các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc phạm vi quản lý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, tăng cường công tác quản lý thu trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến nguồn thu ngân sách, tại hội nghị đánh giá kinh tế - xã hội 9 tháng diễn ra ngày 14/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, thu tiền sử dụng đất không đạt ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Các địa phương tự rà soát, cân đối thu chi.
“Mỗi đơn vị vào cuộc thật quyết tâm, quyết liệt, phấn đấu thu đạt kết quả cao nhất. Bởi nếu thu ngân sách không đạt, nhiều lĩnh vực khác sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.