Pháp luật

Ngăn học sinh đi xe phân khối lớn tới trường: Không chỉ dừng lại ở cam kết

Đặng Dương 21/09/2024 - 13:05

Đầu năm học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã triển khai cho học sinh ký cam kết không điều khiển xe phân khối lớn tới trường. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, tình trạng học sinh vi phạm quy định giao thông vẫn diễn ra phổ biến bên ngoài cổng trường.

ADQuảng cáo

Học sinh vô tư điều khiển xe gắn máy phân khối lớn

Sau tiếng trống tan trường, từng tốp học sinh cả nam và nữ trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) kéo nhau về bãi giữ xe của một hộ dân trước cổng trường để lấy xe. Tại đây, rất khó để bắt gặp các xe máy dưới 50cc, thay vào đó, các em vô tư điều khiển các xe mang biển số của các loại xe trên 100cc.

Khoảng 11h30', tại điểm giữ xe khác của một siêu thị, cách Trường THPT Chu Văn An khoảng 50m, học sinh tan trường rồi đi bộ kéo nhau về siêu thị để lấy xe. Sau khi lấy xe, có nhiều em không đội mũ bảo hiểm, vô tư chở 3 rồi phóng ra đường.

Theo lời một người dân sống gần cổng trường, hàng ngày số lượng học sinh Trường THPT Chu Văn An gửi xe bên ngoài là rất lớn. Có thời điểm, xe được xếp hàng dài từ ngoài sân đến bên trong nhà của hộ trông giữ xe.

img_9796.jpg

Sáng 18/9, phóng viên ghi nhận thực tế tại cổng Trường THPT Gia Nghĩa, TP. Gia Nghĩa. Phía ngoài cổng trường, bãi giữ xe tự phát đã được xếp dày những chiếc xe gắn máy của học sinh gửi lại.

Cũng trong sáng cùng ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông TP. Gia Nghĩa đã chốt chặn, kiểm tra các trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy trên đường 3/2 (cách cổng Trường THPT Gia Nghĩa khoảng 500m). Lực lượng chức năng đã xử lý, lập biên bản và tạm giữ nhiều phương tiện do học sinh trường THPT này điều khiển.

Tình trạng học sinh THCS và THPT điều khiển xe phân khối lớn đến trường đã tồn tại nhiều năm qua tại tỉnh Đắk Nông. Thậm chí ở một vài địa phương vùng sâu, vùng xa, học sinh bậc tiểu học đã “tự tin” điều khiển xe gắn máy tới trường.

Lực lượng chức năng tạm giữ một số xe máy do học sinh Trường THPT Gia Nghĩa điều khiển (Ảnh: Lê Phước)
Lực lượng chức năng tạm giữ một số xe máy do học sinh Trường THPT Gia Nghĩa điều khiển (Ảnh: Lê Phước)

Nói về tình trạng này, mỗi bên liên quan lại có cách “biện minh” khác nhau. Nhiều phụ huynh và học sinh cho biết, do khoảng cách từ nhà đến trường xa, trong khi bố mẹ không thể đưa đón hàng ngày nên cách thuận lợi nhất là để con tự điều khiển xe đến trường. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, dịch vụ đưa đón học sinh chưa phát triển, học sinh buộc phải lựa chọn đi xe máy đến trường.

Còn đối với các cơ sở giáo dục, quy định nhiều năm nay là nhà trường không trông giữ xe gắn máy có phân khối lớn do học sinh điều khiển đến trường. Tuy nhiên, cũng từ quy định này, hàng loạt bãi giữ xe tự phát đã hình thành bên ngoài trường học mà Báo Đắk Nông đã chỉ ra ở trên.

Ký cam kết còn hình thức

Được biết, vào đầu năm học, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều cho học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB).

Thế nhưng, việc ký cam kết này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hình thức. Bởi nhiều trường vẫn không thể xử lý được tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn, không GPLX, không mũ bảo hiểm, rồ ga, đánh võng… ở bên ngoài cổng trường.

Bà Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, nhà trường không giữ xe đối với các em học sinh chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe đối với loại xe trên 50cc. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện vẫn đi xe trên 50cc đến trường.

“Nhà trường nhận thấy học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX mà điều khiển xe phân khối lớn rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông và nhà trường đã họp, thông báo trước toàn trường là cấm. Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với phụ huynh, Đội CSGT TP. Gia Nghĩa để xử lý tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa thể chấm dứt”, bà Yến nói.

Lực lượng chức năng huyện Đắk Mil cho học sinh ký cam kết chấp hành Luật ATGT ngay cổng trường học
Lực lượng chức năng huyện Đắk Mil cho học sinh ký cam kết chấp hành Luật ATGT ngay cổng trường học

Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT huyện Đắk Mil, tại một số trường học trên địa bàn, còn tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện vẫn điều khiển xe máy trên 50cc đến trường. Việc xử lý gặp khó khăn, thường những em học sinh đi xe trên 50cc không có GPLX và khi gặp lực lượng CSGT thường bỏ chạy, trốn tránh.

“Đây cũng là vấn đề rất trăn trở đối với công tác quản lý của nhà trường. Việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng”, ông Trần Văn Vượng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Mil nêu vấn đề.

Ông Vượng cho biết thêm, mới đây Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện Đắk Mil có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, trong đó có việc tuyên truyền, xử lý tình trạng vi phạm Luật GTĐB.

“Trong thời gian tới, khi nhận thông tin học sinh vi phạm, chúng tôi chỉ đạo nhà trường gửi thông báo đến cha mẹ học sinh, đồng thời cho học sinh và phụ huynh ký cam kết. Nếu như học sinh còn tiếp tục vi phạm thì nhà trường sẽ xử lý bằng hình thức hạ hạnh kiểm", ông Vượng cho hay.

Hinh 4
Học sinh Trường THPT Quang Trung (huyện Đắk Mil) ký cam kết chấp hành pháp luật ATGT ngày 16/9

Nói thêm về giải pháp để xử lý triệt để tình trạng học sinh điều khiển xe phân khối lớn đến trường, ông Mai Trần Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Song nhấn mạnh sự cần thiết về phát triển loại hình dịch vụ xe đưa đón học sinh hoặc cung cấp xe buýt công cộng cho học sinh.

“Ở góc độ quản lý, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các trường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành quy định, tuyệt đối không điều khiển xe phân khối lớn đi học. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện Đắk Song mong muốn sẽ có thêm nhiều loại hình dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh an toàn để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng học sinh sử dụng xe phân khối lớn đến trường”, ông Mai Trần Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Song cho hay.

Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh; xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông ở lứa tuổi học sinh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Công an xây dựng quy tắc văn hóa giao thông văn minh và yêu cầu 100% trường học, đơn vị thực hiện nghiêm, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm sẽ gửi thông báo về trường để có hình thức xử lý phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn học sinh đi xe phân khối lớn tới trường: Không chỉ dừng lại ở cam kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO