Ngân hàng sôi động chuyển nhượng vốn, tăng vốn

Thanh Cao| 11/03/2025 14:03

Thị trường đang chứng kiến làn sóng tăng vốn và bán vốn sôi động từ các ngân hàng, đặc biệt là những diễn biến tích cực trong hoạt động phát hành cổ phiếu của các nhà băng lớn thuộc nhóm Big4.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) vừa hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ hơn 123,8 triệu cổ phiếu với giá 38.800 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 4.805 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư trong nước mua vào 38,7 triệu cổ phiếu, trong khi gần 85,2 triệu cổ phiếu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài.

Danh sách các tổ chức tham gia mua cổ phiếu BID có Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) sở hữu nhiều nhất với gần 59 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ tại BIDV lên 0,845%.

Tiếp theo là SCIC (38,7 triệu cổ phiếu), Hanoi Investments Holdings Limited (15,7 triệu cổ phiếu), DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (8,5 triệu cổ phiếu) và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (1,9 triệu cổ phiếu).

Ngoài thương vụ này, BIDV cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, dự kiến hoàn tất trong năm 2025. Theo chia sẻ từ lãnh đạo ngân hàng tại hội nghị nhà đầu tư gần đây, BIDV đang làm việc với các đối tác tiềm năng để triển khai đợt phát hành đầu tiên với tỷ lệ 2,9% vào quý I/2025.

Phần còn lại (6,1%) sẽ được thực hiện sau đó, tùy theo điều kiện thị trường. Nếu kế hoạch này thành công, theo tính toán của SSI Research, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV có thể tăng từ 9% lên 10,5%.

Thương vụ chào bán hơn 123 triệu cổ phiếu BIDV có sự tư vấn của liên danh HSBC – SSI. Theo chuyên gia của SSI, một trong những thách thức lớn nhất của thương vụ này là quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu riêng lẻ trong vòng một năm tại Việt Nam, khiến nhà đầu tư không được hưởng mức giá chiết khấu mà phải mua theo giá thị trường. Điều này đặt ra bài toán thu hút dòng vốn, đòi hỏi sự kiên trì và nhất quán trong việc kết nối với nhà đầu tư.

Ngân hàng nhộn nhịp với hoạt động chuyển nhượng và tăng vốn
Thị trường đang chứng kiến làn sóng tăng vốn và bán vốn sôi động từ các ngân hàng, đặc biệt là những diễn biến tích cực trong hoạt động phát hành cổ phiếu của các nhà băng lớn thuộc nhóm Big4.

Trong các giao dịch như vậy, vai trò của đơn vị tư vấn không chỉ là cầu nối mà còn là người định giá, cấu trúc thương vụ và xây dựng chiến lược chào bán, giúp tối ưu lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông.

Theo bà Hoàng Hải Yến, Phó giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư SSI, thị trường vốn Việt Nam ngày càng được các ngân hàng quan tâm như một kênh huy động vốn quan trọng. Các thương vụ phát hành riêng lẻ mà SSI từng tham gia như TPB, HDB (2018), MBB (2020) hay các giao dịch chiến lược như GIC đầu tư vào VCB (2019), Keb Hana vào BIDV và SMBC vào VPB là những ví dụ tiêu biểu.

Thành công của BIDV có thể tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE ngay trong năm nay. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ gia tăng mạnh mẽ nhờ cải cách quản trị doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội huy động vốn cho ngành ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ BIDV, Vietcombank (VCB) – một ngân hàng Big4 khác – cũng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần, dự kiến triển khai trong nửa đầu năm 2025. Gần đây, VCB đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phát hành lên đến 49,5%, nâng vốn điều lệ từ 55.890 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng – mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.

Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến thương vụ giao dịch thỏa thuận lớn tại VIB. Theo SSI, với vai trò tư vấn và đồng dựng sổ, CBA đã hoàn tất bán 4,4% cổ phần còn lại tại VIB với tổng giá trị 2.760 tỷ đồng (tương đương 108 triệu USD) vào ngày 5/3. Điều này mở ra cơ hội cho VIB tìm kiếm một đối tác chiến lược mới thông qua phát hành riêng lẻ, nhằm tăng cường vốn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuối năm 2024, Techcombank cũng hé lộ kế hoạch bán 10-15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dài hạn, ưu tiên đối tác có thế mạnh về công nghệ. Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) hiện ở mức 22%, ngân hàng cho rằng thương vụ này khả thi do một cổ đông đang có kế hoạch thoái vốn 8-9%, tạo điều kiện để thu hút thêm nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TCB đang diễn biến tích cực nhờ kỳ vọng IPO công ty con là CTCK Techcombank (TCBS) và tiềm năng bán vốn cho đối tác nước ngoài. Ngoài ra, một số ngân hàng như Nam A Bank, LPBank cũng đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư ngoại để tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp.

HDBank cũng thu hút sự quan tâm khi vừa xin ý kiến cổ đông về việc tạm khóa room ngoại từ 20% xuống 17,5%, nhằm chuẩn bị cho các dự án chiến lược sắp tới. Động thái này không chỉ giúp đảm bảo tuân thủ quy định, mà còn phù hợp với nhu cầu đầu tư của cổ đông nước ngoài.

Hiện tại, quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược của HDBank được giới phân tích đánh giá là yếu tố quan trọng, tác động tích cực đến giá cổ phiếu HDB. Cùng với đó, ngân hàng còn được hưởng lợi từ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành nhờ tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.

Năm 2025, dự báo cuộc đua tăng vốn điều lệ giữa các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục sôi động, thông qua hai hình thức chính là trả cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc phát hành riêng lẻ.

Việc tăng vốn không chỉ giúp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mà còn đảm bảo nguồn lực tài trợ cho tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/ngan-hang-soi-dong-chuyen-nhuong-von-tang-von-135932.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/ngan-hang-soi-dong-chuyen-nhuong-von-tang-von-135932.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Ngân hàng sôi động chuyển nhượng vốn, tăng vốn
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO