Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn trong lĩnh vực ngân hàng. Báo cáo cho thấy, đến ngày 10/4/2025, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm.
Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới tại các ngân hàng thương mại hiện ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng đã chủ động công bố thông tin về lãi suất trên website chính thức để khách hàng dễ dàng tra cứu, tham khảo.
Về tỷ giá, đến ngày 22/4/2025, tỷ giá giao dịch trên thị trường xoay quanh mức 25.896 VND/USD, ghi nhận mức tăng 1,64% so với cuối năm trước.
Tính đến ngày 15/4/2025, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 và tăng 18,19% so với cùng kỳ năm 2024.
Dòng tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các ngành ưu tiên và các lĩnh vực đóng vai trò động lực tăng trưởng theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB. Ngày 18/4/2025, cơ quan này đã gửi Tờ trình số 40/TTr-NHNN tới Thủ tướng Chính phủ nhằm giải trình các ý kiến của thành viên Chính phủ.

Tiếp theo đó, thực hiện theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 29/4/2025, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về tình hình nợ xấu, đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không tính 5 ngân hàng gồm MBV, Dầu Khí Toàn Cầu, VCBNeo, Vikki Bank và SCB) ở mức 1,88%. Công tác xử lý và kiểm soát nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt, chặt chẽ.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, áp lực lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn do tính chất mở cửa sâu rộng, cùng với biến động giá cả hàng hóa toàn cầu dưới ảnh hưởng của địa chính trị, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và việc điều chỉnh giá hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất hiện cũng đang chịu sức ép khi đã giảm khá sâu trong khi nhu cầu tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng dự kiến sẽ tăng mạnh để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Thêm vào đó, cạnh tranh trong huy động vốn cũng ngày càng gay gắt do sự hấp dẫn của các kênh đầu tư thay thế.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro do chính sách thuế quan của Mỹ, sự điều hành khó lường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở mức cao.
Trước những thách thức này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định định hướng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và đồng bộ với chính sách tài khóa, nhằm ưu tiên mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với kiểm soát lạm phát và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách tín dụng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các lĩnh vực sản xuất, ngành ưu tiên, đồng thời kiểm soát tín dụng rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến quốc tế để kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp doanh nghiệp trong nước ứng phó hiệu quả với tác động từ các chính sách thương mại toàn cầu.