Ngày 10/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai nghiệp vụ thị trường mở trên kênh cầm cố với tổng giá trị chào thầu 35.000 tỷ đồng, bao gồm 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 35 ngày và 5.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày, với lãi suất duy trì ở mức 4,0%.
Kết quả đấu thầu cho thấy 16.202,96 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, trong khi hai kỳ hạn còn lại không ghi nhận lượng trúng thầu nào; đồng thời, không có khối lượng đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 17.202,96 tỷ đồng vào thị trường thông qua nghiệp vụ này. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngoại trừ tuần đầu tiên, cơ quan này đã liên tục hút ròng trong bốn tuần liên tiếp với tổng giá trị hơn 76.000 tỷ đồng. Trước Tết, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh bơm thanh khoản nhằm hỗ trợ thị trường.
Cùng với việc điều tiết dòng tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động giảm lãi suất phát hành tín phiếu. Cụ thể, lãi suất tín phiếu đã giảm từ 4% (tháng 2/2025) xuống 3,1%/năm vào ngày 4/3.
Từ ngày 5/3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tạm dừng phát hành tín phiếu. Động thái này thể hiện rõ ràng định hướng của cơ quan quản lý trong việc kéo giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong khoảng thời gian từ 25/2 đến 10/3, đã có 18 ngân hàng thương mại thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất, gồm: Bản Việt, Hàng Hải, Việt Nam Thương Tín, Sài Gòn Công Thương, Quốc tế, Bảo Việt, Kiên Long, Bắc Á, Việt Á, Thịnh Vượng, PGbank, Eximbank, LPBank, Nam Á, SHB, NCB, VCBNeo, BIDV và Techcombank. Mức giảm dao động từ 0,1% đến 0,9%/năm tùy kỳ hạn.
Nhờ chính sách hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm đáng kể. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm đã giảm từ gần 5% ngay sau Tết xuống còn 3,88% vào phiên giao dịch cuối tuần (7/3).
Tuy nhiên, trong phiên ngày 10/3, lãi suất liên ngân hàng nhích nhẹ, với lãi suất qua đêm ở mức 4,15%, kỳ hạn 1 tuần là 4,32%, kỳ hạn 2 tuần là 4,37% và kỳ hạn 1 tháng là 4,53%.
Bên cạnh đó, ngày 9/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 22/CĐ-TTg, đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, liên quan đến lãi suất, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến lãi suất, triển khai các biện pháp quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đồng thời điều hành tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như nhà ở xã hội, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành thị trường mở một cách linh hoạt nhằm giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn để có điều kiện hạ lãi suất cho vay.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu đầu tư tại Công ty FIDT, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất thị trường mở, nhưng khó có thể giảm trần lãi suất huy động và cho vay. Ông cho rằng lãi suất trên thị trường dân cư nhiều khả năng sẽ duy trì ổn định trong năm nay.
"Chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ở vùng thấp hoặc giảm nhẹ, nhưng không có khả năng giảm sâu đột ngột, do vẫn phụ thuộc vào cân bằng cung cầu trên thị trường vốn," ông Huy nhận định.
Về trung hạn, nhiều chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi có thể biến động nhưng khó tăng đột biến trong thời gian tới. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.