Ngân hàng chật vật xử lý nợ xấu, mong chờ luật hóa Nghị quyết 42

Thanh Cao| 28/03/2025 11:08

Việc thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, trong khi xử lý tài sản bảo đảm cũng không hề đơn giản, gây ảnh hưởng đến khả năng luân chuyển vốn của ngân hàng và nền kinh tế. Thực trạng này đặt ra thách thức cho các ngân hàng trong việc cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và kiểm soát rủi ro.

Ngân hàng hạ giá tài sản để rao bán

Khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thông tư 02 về cơ cấu lại thời gian trả nợ không còn hiệu lực, các ngân hàng đặc biệt quan tâm đến việc tìm ra giải pháp hiệu quả để thu hồi nợ xấu, duy trì sự an toàn của hệ thống và thúc đẩy dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.

Cuối năm 2024 và đầu năm 2025, các ngân hàng liên tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, bao gồm nhiều khoản vay có giá trị lớn.

Mới đây, VietinBank chi nhánh Vĩnh Long thông báo bán tài sản bảo đảm của Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Nam. Tài sản rao bán là quyền sử dụng đất tại phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM, với tổng diện tích 439,6 m², bao gồm 393,2 m² đất ở đô thị và 46,4 m² đất màu.

Trong khi đó, BIDV chi nhánh Thành Đô tiếp tục rao bán khoản nợ của Công ty CP Hằng Hà, bao gồm cả dư nợ gốc, lãi và phí phát sinh. Đây là lần thứ năm khoản nợ này được rao bán. Tính đến ngày 31/10/2024, tổng dư nợ lên tới hơn 730 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 433,7 tỷ đồng, lãi và phí phạt gần 296,4 tỷ đồng. Khoản vay này gắn liền với hai hợp đồng tín dụng, một ký năm 2014 với nợ gốc 528,75 tỷ đồng và một ký năm 2017 với nợ gốc 5 tỷ đồng. Một trong những tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản từ dự án Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang tại quận Long Biên, Hà Nội.

BIDV chi nhánh TP.HCM cũng thông báo đấu giá tài sản bảo đảm là hệ thống máy móc thiết bị của Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí hàng hải Sài Gòn. Ngân hàng chia tài sản thành hai danh mục đấu giá: danh mục thứ nhất trị giá 277 tỷ đồng gồm các thiết bị như máy tiện, máy cuộn dây cáp, máy phay tròn; danh mục thứ hai trị giá hơn 504 tỷ đồng gồm trạm cân 80 tấn, túi nước thử tải 35 tấn, phao quây dầu,... Đây là lần thứ 16 khoản nợ này được đưa ra đấu giá nhưng vẫn chưa có người mua.

Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cũng tham gia xử lý nợ xấu bằng việc đấu giá tài sản bảo đảm là ba xe khách giường nằm hiệu THACO mang biển số TP.HCM. Giá khởi điểm hiện tại là hơn 524,6 triệu đồng, giảm 359 triệu đồng so với lần rao bán hồi tháng 5/2024.

SaiGonBank chi nhánh Cầu Giấy phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng và các cơ quan liên quan để bán đấu giá bốn tài sản thế chấp là bất động sản trên mặt đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhằm thu hồi khoản vay. Mức giá khởi điểm của các tài sản lần lượt là 14,4 tỷ đồng, 1,3 tỷ đồng, 1,08 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế, phí và các lệ phí chuyển nhượng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2024, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại đạt hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và có dấu hiệu gia tăng. Báo cáo của NHNN cũng cho thấy nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu rủi ro) tại các ngân hàng thương mại tính đến cuối năm 2024 là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ, giảm 7% so với năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, số liệu tài chính cho thấy nhiều ngân hàng như MB, Sacombank, ACB, MSB, OCB,... đang chứng kiến sự gia tăng mạnh của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Ngân hàng chật vật xử lý nợ xấu mong chờ luật hóa Nghị quyết 42
Việc thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, trong khi xử lý tài sản bảo đảm cũng không hề đơn giản, gây ảnh hưởng đến khả năng luân chuyển vốn của ngân hàng và nền kinh tế.

Chờ Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống

Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhằm thúc đẩy nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8%. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu diễn biến phức tạp, đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc cân đối giữa mở rộng tín dụng và kiểm soát rủi ro.

Theo phản ánh từ các ngân hàng, kể từ khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu hết hiệu lực, nhiều quy định quan trọng không được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024, khiến quá trình thu hồi và xử lý nợ gặp nhiều khó khăn. Hiện có khoảng 200.000 tỷ đồng tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu tồn đọng, thậm chí con số thực tế có thể còn lớn hơn.

Báo cáo của MB cho thấy, tổng quy mô tài sản bảo đảm liên quan đến nợ xấu thuộc phạm vi Nghị quyết 42 trước đây đạt 8.900 tỷ đồng (tính đến tháng 3/2024). Khi nghị quyết này hết hiệu lực, ngân hàng không thể thu giữ tài sản trực tiếp, kéo dài thời gian thu hồi nợ thêm 27% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chi phí xử lý nợ cũng tăng 2% do phải áp dụng các biện pháp kiện tụng và thi hành án. Số vụ kiện nợ xấu tăng đột biến, chỉ riêng năm 2024, MB đã nộp 960 đơn kiện, gấp 2,8 lần so với năm 2022.

Đại diện TPBank cho biết: "Trước đây, nhờ Nghị quyết 42, ngân hàng có thể thu giữ tài sản chỉ trong vài tháng. Hiện nay, toàn bộ quy trình phải thông qua tòa án, kéo dài nhiều tháng, thậm chí hơn một năm".

Các ngân hàng cũng cho rằng giải pháp đòi nợ hiệu quả nhất hiện nay là khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, do quá tải, các tòa án chỉ tiếp nhận chưa đến 30% hồ sơ. Trong khi đó, ngân hàng không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khiến nhiều khách hàng cố tình chây ì, không trả nợ, không bàn giao tài sản, gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 27/3/2025, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ nhận định, việc không luật hóa Nghị quyết 42 đã tác động mạnh đến ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ. Ông Vỹ cho biết: "Nhiều ngân hàng có khách hàng doanh nghiệp lớn với dư nợ hàng chục nghìn tỷ, chỉ cần tái cơ cấu là vẫn được ghi nhận lợi nhuận. Trong khi đó, VIB chủ yếu cho vay cá nhân với tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng toàn bộ, nên gặp bất lợi hơn".

Ông cũng nhấn mạnh, việc không có Nghị quyết 42 khiến công tác thu hồi nợ cá nhân trở nên khó khăn. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ và hy vọng Nghị quyết này sẽ được thông qua vào tháng 5 tới. Đây sẽ là sự kiện quan trọng đối với ngành ngân hàng, giúp VIB nhanh chóng thu hồi các khoản nợ cá nhân, đóng góp trực tiếp vào lợi nhuận", ông Vỹ nói.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/ngan-hang-chat-vat-xu-ly-no-xau-mong-cho-luat-hoa-nghi-quyet-42-137070.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/ngan-hang-chat-vat-xu-ly-no-xau-mong-cho-luat-hoa-nghi-quyet-42-137070.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Ngân hàng chật vật xử lý nợ xấu, mong chờ luật hóa Nghị quyết 42
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO