Hủy hoại rừng có chủ đích
Thăm hiện trường vụ đốt rừng mới đây thuộc lâm xã Đắk Ha, chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích rừng trồng cây sao xanh năm thứ 3 và thứ 4 bị đốt cháy trụi. Nguyên nhân được đơn vị chủ rừng xác định do từ đầu năm đến nay đoàn liên ngành quản lý, bảo vệ rừng của huyện Đắk Glong, xã Đắk Ha và đơn vị tiến hành nhiều đợt xử lý mạnh tay các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Từ đó, khiến một số đối tượng “trả đũa”, đốt rừng phá hoại.
Điều đáng nói là khi phát hiện rừng bị đốt cháy, lực lượng chức năng cơ động vào dập lửa thì bị các đối tượng chôn, rải đinh dọc đường khiến xe bị thủng lốp, không thể tiếp cận nhanh hiện trường nên rừng bị thiệt hại diện tích lớn.
Là người trực tiếp tham gia dập lửa, nhiều lần xe máy bị thủng lốp do trúng đinh, ông Pàng Lạp Si, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, khi phát hiện cháy, lực lượng bảo vệ rừng đi xe máy, chạy vào dập lửa nhưng xe đều bị thủng lốp do các đối tượng chôn đinh dọc đường, nguy hiểm hơn là đinh được rải ở những vị trí đường dốc, cong cua nên dễ xảy ra tai nạn.
Các đối tượng rải đinh xong rồi dùng lá cây khô phủ lên cho nên không thể phát hiện, đã có trường hợp xe thủng lốp khiến nhân viên quản lý bảo vệ rừng ngã, đinh đâm vào tay gây thương tích.
Tương tự, ông Phan Văn Lợi, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, tình trạng chôn đinh, rải đinh chỉ mới xuất hiện khoảng cuối tháng 2 trở lại đây, mục đích là ngăn cản lực lượng bảo vệ rừng chữa cháy. Ông Lợi khẳng định, “từ việc cháy rừng bất thường, đến việc rải đinh có thể khẳng định có một số đối tượng thực hiện có chủ đích chứ không phải ngẫu nhiên”.
Cũng theo ông Lợi, các đối tượng tổ chức rất bài bản trong việc rải đinh; đinh được đóng vào đế cao-su để định vị thẳng đứng, thuộc loại đinh thép dùng trong máy bắn đinh gỗ công nghiệp. Ở những đoạn dốc, đinh được đào lỗ chôn xuống đất, sau đó phủ lá khô lên để ngụy trang.
Nhiều lần tham gia phát ranh cản lửa rừng phòng hộ, anh Điểu Long, người dân xã Đắk Ha cho biết: Chỉ trong ba ngày đã hai lần xe anh trúng đinh thủng lốp. Lần nguy hiểm nhất là lúc đang xuống dốc, xe bị tám chiếc đinh cắm vào lốp khiến xe xẹp hơi mất lái, nhưng may mắn không xảy ra tai nạn. Cũng theo anh Điểu Long, người dân cùng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ tổ chức nhặt đinh nhiều lần nhưng nhặt xong, các đối tượng lại tiếp tục rải. Người dân rất lo lắng, trước tình trạng này, mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn, xử lý.
Người dân và nhân viên quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ nhặt đinh trên các tuyến đường tuần tra, khu vực rừng bị đốt. |
Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, chỉ trong gần một tháng vừa qua đã xảy ra bảy vụ cháy rừng, có khoảng 15ha bị cháy, ảnh hưởng; trong đó có gần 5ha rừng trồng là sao xanh, số còn lại chủ yếu là rừng hỗn giao tre nứa và một số khu vực tiếp giáp rừng trồng.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa Vũ Văn Trọng cho biết, dựa vào các sự việc diễn ra liên quan như cháy rừng bất thường, rải đinh… có thể khẳng định rừng bị cháy là do một số đối tượng đốt rừng có chủ đích; khu vực rừng phòng hộ bị đốt giáp ranh với diện tích rừng trồng, diện tích rừng đang tranh chấp, nhằm mục đích lấn chiếm đất.
Cũng theo ông Trọng, các vụ cháy rừng đều được phát hiện từ rất sớm, nhưng do đường vào bị rải đinh, xe bị thủng lốp, có những lúc vì gấp nên lực lượng chữa cháy phải bỏ phương tiện lại để chạy bộ vào. Mặt khác, lực lượng của đơn vị mỏng, chữa cháy thủ công, trong khi hiện nay đang là mùa khô nên khi xảy ra cháy kết hợp gió mạnh làm lửa lây lan nhanh khiến thiệt hại lớn.
Quyết liệt ngăn chặn
Cùng với lực lượng quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Gia Nghĩa, chính quyền xã Đắk Ha bổ sung thêm nhân lực, tiến hành truy quét đối tượng, rà soát, thu gom đinh trên các tuyến đường, đồng thời thành lập ba chốt kiểm soát quản lý người và phương tiện ra, vào khu vực rừng phòng hộ. Chính quyền xã đã phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm sớm ngăn chặn tình trạng đốt rừng phá hoại.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Ha Đoàn Công Hoàng cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp, đi trực tiếp để tuần tra, kiểm tra, tham gia dập lửa và xử lý các vụ việc; đồng thời cắt cử lực lượng dân quân tự vệ, công an luân phiên cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa lập chốt quản lý, kiểm soát tình hình. Hiện địa phương đang chỉ đạo lực lượng chức năng truy xét, truy tìm đối tượng phá hoại, đồng thời báo cáo vụ việc lên cấp trên để tăng cường lực lượng chuyên ngành xử lý vụ việc.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần, sau khi vụ việc xảy ra, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ đơn vị chủ rừng trong quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Phân công một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách trực tiếp công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tuần, lực lượng chức năng của tỉnh đều trực tiếp kiểm tra tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai và gần đây đã ngăn chặn được nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Địa phương sẽ tiếp tục làm quyết liệt và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, sở đã cử một cán bộ lãnh đạo phụ trách lĩnh vực trực tiếp đi thực địa hiện trường khảo sát nắm bắt tình hình; tăng cường sáu người thuộc lực lượng Hạt Kiểm lâm Gia Nghĩa và đội kiểm lâm cơ động trực tiếp tham gia cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa xử lý các điểm nóng; đồng thời phối hợp chính quyền, lực lượng công an điều tra, nếu đủ cơ sở sẽ lập chuyên án để xử lý hình sự các đối tượng cầm đầu hủy hoại rừng.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, do còn nhiều hộ dân xâm canh sống rải rác trong rừng, việc quản lý dân cư lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương nên còn nhiều bất cập. Giải pháp lâu dài, căn cơ là phải rà soát, nắm lại các hộ dân di cư không theo quy hoạch để phối hợp chính quyền địa phương quản lý.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa được giao quản lý hơn 11.000ha rừng, đất rừng, thuộc thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong. Trong đó, diện tích có rừng hơn 3.200ha, số diện tích còn lại là đất lâm nghiệp, nhiều diện tích đã bị người dân lấn chiếm làm nhà, trồng cây công nghiệp dài ngày, trong đó có những diện tích bị lấn chiếm trước khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa được thành lập.
Hiện nay có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống, canh tác trong rừng phòng hộ. Việc phá rừng, đốt rừng đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vấn đề tranh chấp đất giữa người dân với đơn vị quản lý rừng phòng hộ. Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không có biện pháp căn cơ ngăn chặn, xử lý dứt điểm thì những diện tích rừng phòng hộ còn lại có nguy cơ bị xóa sổ.