Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận chuông chùa Rối của Hà Tĩnh là bảo vật quốc gia. Hiện vật quý hiếm này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Đây là hiện vật độc bản, có niên đại khoảng thế kỷ 14, do người dân phát hiện vào cuối năm 1989 khi đào gốc cây trên nền đất trống tại chùa Rối (nay đã thành phế tích) ở thôn Trường Xuân, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên.
Đến 2019, sau hàng chục năm lưu lạc nhiều nơi, chuông được bàn giao cho Bảo tàng Hà Tĩnh phục chế trưng bày.
Trên chuông có nhiều họa tiết, trang trí tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần, thể hiện kỹ thuật đúc đồng đạt đến trình độ cao. Đặc biệt, trên chuông có khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của nhà thơ Phạm Sư Mạnh (1300 - 1384), nội dung ghi lại cảm xúc khi nhìn về đỉnh Hoành Sơn Quan, cũng như sự kiện liên quan đến việc vua Trần Duệ Tông (1337-1377) thân chinh phương Nam.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Trần Phi Công, chuông chùa Rối độc đáo nhất là có khắc bốn câu thơ chữ Hán với thể thất ngôn tứ tuyệt của một vị quan nổi tiếng thời Trần Duệ Tông - Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh (1300-1384).
"Nhìn theo núi Hoành Sơn, phía Nam là một vùng biển lớn/ Sóng kình dữ dội tung bọt trắng/ Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh/ Xa giá đến châu Bố Chánh giúp chính sự được yên".
Bốn câu thơ phản ánh biến động lịch sử cuối triều Trần, cụ thể là cuộc cầm quân thân chinh phương Nam của vua Trần Duệ Tông vào tháng 12/1376. Trong lần tháp tùng nhà vua, khi đi qua vùng đất Hoan Châu (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), trước cảnh tượng hùng vĩ, bao la mà hoang vắng của non nước, Phạm Sư Mạnh đã sáng tác các câu thơ này.
Thơ sau đó được khắc lên chiếc chuông đặt tại chùa Rối ở huyện Cẩm Xuyên.
Theo tư liệu, chuông chùa Rối còn phản ánh các yếu tố văn hóa của Hà Tĩnh, Việt Nam và người Á Đông, nổi bật là Phật giáo. Thời nhà Trần (1226-1400), Phật giáo cực thịnh, phát triển đến đỉnh cao và trở thành Quốc giáo.
Chuông chùa Rối thể hiện Phật giáo đã truyền bá đến vùng phên dậu phía Nam của quốc gia Đại Việt thời kỳ này, là nguồn tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử Hà Tĩnh và Việt Nam thời kỳ triều Trần.