Thu hoạch lúa mì tại cánh đồng ở vùng Krasnoyarsk của Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Theo Reuters, Ngày 18/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã tăng xuất khẩu lương thực trong năm 2022.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev thông báo xuất khẩu ngũ cốc của Nga sẽ đạt từ 50 tới 55 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024.
Phát biểu trong cuộc họp Chính phủ được phát sóng trên truyền hình, ông Patrushev cho biết sản lượng lúa mỳ vụ mùa năm 2023 của Nga được dự báo đạt 78 triệu tấn và 93% lượng ngũ cốc thu hoạch được trong vụ Đông hiện trong tình trạng bình thường.
Trước đó, ngày 17/5, Cơ quan thống kê Rosstat của Nga công bố số liệu cho hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm khoảng 1,9% trong quý 1/2023.
Kinh tế Nga đã phải hứng chịu làn sóng trừng phạt khác liên quan đến căng thẳng với Ukraine, trong đó có lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm xăng dầu Nga, trên hết là việc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia áp giá trần đối với dầu nước này.
Theo công ty phân tích độc lập có trụ sở tại London Capital Economics, mức sụt giảm GDP trên “ít hơn so với dự kiến,” cho thấy nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu tăng trưởng.
Chi tiêu chính phủ đang thúc đẩy doanh số bán lẻ và ngành công nghiệp. Trong một lưu ý, Capital Economics cho rằng nền kinh tế Nga đang trên đà đạt mức tăng trưởng dương vào năm 2023.
Kinh tế Nga đã giảm 2,1% trong năm 2022. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt có tác động đối với nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, Rosstat cho biết lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp đã tăng trưởng tốt trong quý đầu tiên.
Các chuyên gia cho rằng với quỹ đạo này, thâm hụt khu vực công của Nga có thể đạt từ 3% đến 4% GDP, cao hơn mục tiêu 2%.
Lạm phát trong tháng 3/2023 giảm xuống mức 3,5% và 2,3% trong tháng 4/2023. Tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức 3,5% của Nga không phải là một dấu hiệu tốt mà là một dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động của nước này đang bị thu hẹp.
Trong nhiều năm qua, Nga đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khiến nền kinh tế nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, trong đó nhiều lĩnh vực khác nhau phải vật lộn để lấp đầy các vị trí.
Các nhà chức trách Nga hiện tin tưởng rằng hoạt động tiêu dùng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng hơn là xuất khẩu, bao gồm cả việc tăng tiền lương thực tế./.