Các thành viên Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tuần tra tại làng Qarri. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hãng tin RIA (Nga) dẫn thông báo từ Đại sứ quán Nga ở Sudan bày tỏ lo ngại về tình hình leo thang bạo lực tại nước này, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn và tiến hành đàm phán.
Theo thông báo của Đại sứ quán Nga tại Sudan, tình hình tại thủ đô Khartoum đang căng thẳng nhưng các nhân viên ngoại giao nước này vẫn an toàn.
Đại sứ Mỹ tại Sudan John Godfrey cũng cho rằng căng thẳng leo thang giữa các lực lượng vũ trang tại Sudan nếu trở thành xung đột trực diện sẽ rất nguy hiểm, đồng thời kêu gọi ban lãnh đạo đất nước nhanh chóng tìm cách chấm dứt giao tranh.
Ông Godfrey cũng cho biết các nhân viên ngoại giao Mỹ đang được đảm bảo an toàn.
Trước đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ngày 13/4 cho biết, những báo cáo về căng thẳng ở Sudan đang gây lo ngại sâu sắc và tất cả các bên cần nỗ lực hết sức để giảm leo thang và giữ bình tĩnh.
Trong một tuyên bố, ông Josep Borrell nhấn mạnh, 4 năm sau sự sụp đổ của chế độ al-Bashir, nguyện vọng của người dân Sudan vẫn chưa được đáp ứng.
Việc quay trở lại chế độ dân sự là một mệnh lệnh cấp bách và tiến trình chính trị đã cho thấy rất nhiều hứa hẹn trong những tháng gần đây sẽ có thể tiến triển trên cơ sở toàn diện.
EU vẫn kiên định với người dân Sudan và hoàn toàn ủng hộ quá trình tạo thuận lợi do Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở Sudan (UNITAMS), Liên minh châu Phi và IGAD dẫn đầu.
EU tin rằng một số vấn đề nổi cộm có thể được giải quyết bằng đối thoại. Cần mau chóng thành lập một chính phủ chuyển tiếp do dân sự lãnh đạo có thể khẩn trương giải quyết những thách thức to lớn về chính trị, kinh tế, an ninh và nhân đạo mà đất nước đang phải đối mặt với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Lực lượng bán quân sự chính tại Sudan cho biết đã giành quyền kiểm soát một số khu vực trọng yếu tại thủ đô Khartoum, trong đó có phủ tổng thống, sau khi xảy ra giao tranh với lực lượng quân đội nước này ngày 15/4.
Trong thông báo mới, Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) cho biết đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn phủ tổng thống, tư dinh của Tham mưu trưởng lực lượng quân đội cũng như các sân bay Khartoum và Merowe ở miền Bắc Sudan.
Trước đó, RSF cáo buộc lực lượng quân đội đã tấn công vào một số cơ sở của lực lượng này ở phía Nam Khartoum.
Trong khi đó, lực lượng quân đội Sudan cho biết RSF đã tấn công lực lượng này ở một số địa điểm.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn các nguồn tin tại hiện trường cho biết đấu súng dữ dội đã xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, làm dấy lên lo ngại bùng nổ xung đột trên diện rộng.
Theo hãng tin Reuters, quân đội Sudan đã huy động không quân tham gia chiến tịch tấn công lực lượng RSF.
Các đảng phái chính trị ở Sudan đã kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực có hành động khẩn cấp để ngăn các cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF.
Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.
Những căng thẳng hiện tại giữa lực lượng quân đội và RSF bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này. Việc sáp nhập 2 lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.
Ngày 5/4, Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) của Sudan tuyên bố tạm hoãn việc ký kết thỏa thuận thành lập chính phủ dân sự phục vụ việc điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử.
Tuyên bố của FFC cho biết các cuộc thảo luận về việc tái cơ cấu quân đội đã đạt được tiến triển nhưng vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến việc ký kết bị trì hoãn.
Việc ký kết vốn được lên kế hoạch ban đầu vào ngày 1/4, trước khi được dời sang ngày 6/4. Tuyên bố không nói rõ việc trì hoãn sẽ kéo dài bao lâu.
Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các bên trong thời gian qua là khung thời gian để sáp nhập nhóm bán vũ trang Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào quân đội, nội dung vốn đã được nhất trí trong khuôn khổ thỏa thuận được ký hồi tháng 12/2022 về giai đoạn chuyển tiếp mới.
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, khiến quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự bị chệch hướng và gây khó khăn cho công tác viện trợ.
Tháng 1 vừa qua, các chính đảng của Sudan đã bắt đầu đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp cuối cùng nhằm thành lập chính phủ dân sự và giải quyết các vấn đề nổi bật khác.
Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa các nhóm chính trị tại Sudan vào tháng 12 năm ngoái, một chính phủ dân sự sẽ điều hành đất nước cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức và quân đội sẽ chuyển giao quyền lực và rời khỏi chính trường./.