Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo hãng tin Sputnik, ngày 3/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố điều kiện để nước này nối lại việc thực thi đầy đủ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là Mỹ từ bỏ "chính sách thù địch" nhằm vào Nga.
Phát biểu với báo giới, ông Ryabkov cho biết những biện pháp đáp trả của Mỹ mới đây đối với Nga liên quan New START không gây ngạc nhiên cho Moskva vì Washington đã cảnh báo trước về động thái này dù biện pháp giống như tối hậu thư.
Ông nhấn mạnh rằng quyết định của Nga đình chỉ tham gia New START là không thể thay đổi "bất chấp bất kỳ biện pháp hay hành động đáp trả nào từ phía Mỹ."
Khi được hỏi về việc các biện pháp đáp trả của Mỹ nhằm vào Nga liên quan New START có làm trầm trọng thêm tình hình kiểm soát vũ khí hay không, quan chức ngoại giao Nga cho rằng điều này "vô cùng nghiêm trọng."
Cũng theo ông Ryabkov, những bình luận của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan tại hội nghị thường niên của Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ ở thủ đô Washington ngày 2/6 là không mang tính xây dựng và "thúc đẩy chương trình nghị sự của Washington phá vỡ sự cân bằng lợi ích."
Ông cho biết Nga sẽ đánh giá chi tiết những phát biểu của ông Sullivan.
Trước đó, Mỹ cho biết nước này sẽ ngừng cung cấp cho Nga một số thông báo cần thiết theo quy định của New START từ ngày 1/6, trong đó có thông tin cập nhật về vị trí tên lửa và bệ phóng.
Phía Mỹ cho rằng quyết định này là nhằm đáp trả hành động tương tự của phía Nga. Ngày 28/2 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ tham gia New START, nhưng không rút khỏi hiệp ước này.
Ông nhấn mạnh rằng trước khi quay lại thảo luận về vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước, Nga cần phải biết New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Anh và Pháp như thế nào.
Nga và Mỹ ký New START năm 2010. Theo thỏa thuận này, Nga và Mỹ có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần.
Hai nước cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống còn không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), máy bay ném bom hạng nặng (TB).
Tháng 2/2021, Nga và Mỹ gia hạn hiệp ước thêm 5 năm./.