Nếu QUY CHẾ TUYỂN SINH mới được áp dụng từ 2025, các trường và thí sinh sẽ bị ảnh hưởng những gì?

11/12/2024 09:52

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non nếu được thông qua (áp dụng từ năm 2025) sẽ tác động như thế nào đến công tác tuyển sinh và thí sinh?

Nếu QUY CHẾ TUYỂN SINH mới được áp dụng từ 2025, các trường và thí sinh sẽ bị ảnh hưởng những gì?- Ảnh 1.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Những điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (dự thảo Quy chế) được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến nhân dân. 

Trao đổi trên báo Giáo dục và Thời đại, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, dự thảo có nhiều điểm mới, khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh; trong đó có xét tuyển sớm.

Chia sẻ về những điểm mới cốt lõi của dự thảo so với Quy chế tuyển sinh hiện hành, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: Dự thảo Quy chế sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.

Thứ nhất, việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với một chương trình, ngành đào tạo; trong đó một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.

Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới Quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT.

Theo đó, những điểm mới cốt lõi của dự thảo quy chế tuyển sinh gồm:

- Điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành Sư phạm, Sức khỏe; 

- Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành; 

- Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;

- Xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...

Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.

Lý do áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung

Về lý do Bộ GDĐT yêu cầu điểm xét tuyển, trúng tuyển các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo - điều chưa từng triển khai trước đây, bà Nguyễn Thu Thủy nêu rõ:  Những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí từng tổ hợp môn xét tuyển. 

Từ đó, các cơ sở đào tạo áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu mỗi phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. 

Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm, chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.

Tuy nhiên, khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo. 

Vô hình trung dẫn tới chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, đặc biệt ở các ngành, trường “hot”. 

Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.

Vì vậy, dự thảo sửa đổi quy chế lần này quy định cơ bản thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. 

Trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hầu hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung; đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. 

Theo đó, các cơ sở đào tạo phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm chứng chỉ ngoại ngữ và điểm cộng ưu tiên khác. Qua đó hạn chế việc lạm dụng, gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển công bằng dựa trên một thang điểm và điểm chuẩn trúng tuyển chung. Cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo. 

Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động tuyển được những thí sinh giỏi nhất; đồng thời các em có năng lực tốt nhất có cơ hội trúng tuyển sớm và chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Quy định này hạn chế việc xét tuyển sớm (không xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu). Những điều này sẽ góp phần khắc phục các bất cập phát sinh từ xét tuyển sớm. Các trường sẽ không phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho việc xét tuyển này. Mặt khác, khắc phục tình trạng nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển.

Giải quyết bất cập từ xét tuyển sớm

Lý giải về cơ sở để Bộ GD&ĐT cho rằng, khi quy về cùng một thang điểm rồi xét không phân biệt phương thức thì công bằng hơn, trong khi quy mô, độ khó giữa các kỳ thi khác nhau, bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: Câu hỏi đặt ra là dựa trên căn cứ nào các cơ sở đào tạo đưa ra phương thức hay tổ hợp xét tuyển khác nhau cho một chương trình hay một ngành đào tạo, khi mà yêu cầu đầu vào về nguyên tắc phải như nhau? 

Chắc chắn phải xuất phát từ việc các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có tiêu chí phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.

Như vậy, các tiêu chí đánh giá của phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau. 

Việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm để đảm bảo các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà đơn vị đang tuyển sinh.

Đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được em phù hợp nhất vào học (cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế).

Cơ sở nào để “khống chế” chỉ tiêu xét tuyển sớm 20%?

Về việc dự thảo “khống chế” chỉ tiêu xét tuyển sớm 20%, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: Dự thảo quy định phải quy đổi tương đương điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, cùng với yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển chung đã tự động hạn chế quy mô xét tuyển sớm.

Việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh trong những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. 

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Nếu ban hành, áp dụng Quy chế tuyển sinh mới sẽ tác động như thế nào tới thí sinh?

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Dự thảo quy chế được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT xin ý kiến xã hội. 

Tuy nhiên, những vấn đề và định hướng giải pháp đưa ra ở đây đã được thảo luận trên nhiều diễn đàn như: Hội nghị giáo dục đại học tháng 8/2024 vừa qua và trên nhiều trang báo trong thời gian gần đây.

Các điểm sửa đổi của quy chế nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trước đây và ngày càng gia tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển. Điều này không ảnh hưởng tới việc học tập của thí sinh. 

Thí sinh chỉ cần tiếp tục nỗ lực, trau dồi học lực, năng lực cá nhân, học và ôn tập tốt nhất theo những phương thức mà các em đã và đang chuẩn bị, thì khi tham gia xét tuyển, năng lực thực sự của các em cao hơn sẽ được xét trúng tuyển trước so với thí sinh khác có năng lực thấp hơn.

Các điều chỉnh của quy chế theo hướng làm gia tăng tính công bằng của việc tuyển sinh chỉ làm tăng thêm sự yên tâm, tự tin của các em khi xét tuyển đại học bởi sự cạnh tranh công bằng nhất có thể.

Đối với cơ sở đào tạo, việc đối sánh các phương thức tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển và xây dựng công thức quy đổi tương đương điểm xét cũng là cơ hội để rà soát, điều chỉnh phương thức, tổ hợp môn sao cho phù hợp nhất đối với từng ngành, nhóm ngành đào tạo. 

Các trường sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức khi tập trung vào đợt xét tuyển chung công bằng, bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho mọi người.

Sửa đổi quy chế tuyển sinh: Bảo đảm công bằng; tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo

Bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ thêm: Thời gian qua, việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương đã gây mất công bằng giữa các thí sinh. 

Do đó, các quy định sửa đổi là để làm tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp xét tuyển, giữa các phương thức xét tuyển mà không có căn cứ giải thích.

Bộ GD&ĐT đưa ra quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục là công bằng. Qua đó nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo; hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý Nhà nước để điều chỉnh việc này.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy: “Quy định xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 là biện pháp bổ sung tạo tác động tích cực tới việc dạy - học ở lớp 12, đồng thời tăng tính công bằng và hiệu quả của công tác tuyển sinh.

Khi đề thi tốt nghiệp THPT được đổi mới, khả năng đánh giá năng lực và tính phân loại được cải thiện, kết quả kỳ thi này chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn”.


Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/neu-quy-che-tuyen-sinh-moi-duoc-ap-dung-tu-2025-cac-truong-va-thi-sinh-se-bi-anh-huong-nhung-gi-119241211095252621.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/neu-quy-che-tuyen-sinh-moi-duoc-ap-dung-tu-2025-cac-truong-va-thi-sinh-se-bi-anh-huong-nhung-gi-119241211095252621.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nếu QUY CHẾ TUYỂN SINH mới được áp dụng từ 2025, các trường và thí sinh sẽ bị ảnh hưởng những gì?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO