Các dự án nông nghiệp giúp xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn của Nepal. (Ảnh ADB) |
"Vào thập niên 1970, khi Nepal lần đầu tiên được đưa vào danh sách các quốc gia kém phát triển nhất của Liên hợp quốc, cha mẹ tôi làm công việc khuân vác gần đường cao tốc duy nhất của đất nước. Vào thời điểm đó, người dân sống với thu nhập bình quân đầu người hằng năm là 70 USD và hơn 60% dân số sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Cho đến thập niên 1990, cha mẹ tôi không thể cho chúng tôi ăn một bữa no và tôi vẫn nhớ rất rõ việc xếp hàng tại Sarkari Khaddya Godam - kho lương thực của chính phủ, để chờ mua thực phẩm trợ cấp". Ðây là câu chuyện thực tế của nhà kinh tế học thuộc Văn phòng điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Nepal Subhash Nepali về nền kinh tế nước này trong hơn 50 năm qua.
Ðể được xếp hạng nước đang phát triển, một quốc gia cần đáp ứng ít nhất hai trong số ba tiêu chí do Liên hợp quốc đề ra, gồm thu nhập bình quân, Chỉ số nguồn nhân lực (HAI) và Chỉ số tổn thương về kinh tế và môi trường (EVI). Nepal từng đủ điều kiện để "tốt nghiệp" nhóm các quốc gia kém phát triển nhất, đáp ứng các ngưỡng ở hai trong số ba chỉ số, HAI và EVI, trong ba lần đánh giá liên tiếp vào các năm 2015, 2018 và 2021. Song ở cả ba lần, Chính phủ Nepal đều lưỡng lự trước cơ hội gia nhập nhóm các nước đang phát triển do sẽ mất đi một số ưu đãi và hỗ trợ mà nhóm kém phát triển được hưởng, nhất là trong thương mại.
Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì trì hoãn, Chính phủ Nepal cần hướng tới xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc cho đất nước sau khi thăng hạng, vì việc rời khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển có rủi ro nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội. Một báo cáo do Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nepal và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện chỉ ra, việc thăng hạng giúp các quốc gia trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận nhiều nguồn tài chính hơn.
Ðến nay, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Nepal đã vượt xa ngưỡng xếp hạng vào nhóm quốc gia đang phát triển. Năm 2022, mức độ đói nghèo, đánh giá theo Chỉ số đói nghèo toàn cầu, tại Nepal đã giảm từ mức nghiêm trọng xuống mức trung bình. Những cải tiến về mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng giúp các vùng nông thôn của Nepal được kết nối tốt hơn. Cùng với đó, Nepal cũng đạt được những bước tiến đáng kể trong các vấn đề bình đẳng giới và y tế. Nhờ sự hỗ trợ từ Văn phòng điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Chính phủ Nepal đã xây dựng Chiến lược chuyển đổi thông suốt (STS), tập trung vào đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế thông qua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng nguồn ngân sách, tiếp cận tài chính hỗ trợ phát triển, đặc biệt là tài chính xanh bảo vệ môi trường và thúc đẩy lĩnh vực đầu tư tư nhân…
Ðể nâng cao khả năng cạnh tranh của Nepal trong thương mại quốc tế và kiến tạo môi trường đầu tư thân thiện, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần tập trung loại bỏ hàng loạt thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tiến tới sản xuất điện với nguồn cung ổn định, chuẩn bị nguồn nhân lực và nguồn lực phù hợp để đáp ứng những thách thức sau khi thăng hạng và đồng thời, tăng cường nỗ lực ngoại giao để khai thác các cơ hội đa dạng hóa thương mại và đầu tư. Năm 2026 có thể là một nấc thang mới trong hành trình xây dựng nền kinh tế tự chủ của Nepal.