Kinh tế

Nẻo về Đắk Nông nay đã khác

Lê Phước 01/01/2024 06:42

Trong ký ức của nhiều người, Đắk Nông là vùng đất xa xôi, đi lại rất khó khăn. Nhưng giờ đây, nẻo về Đắk Nông đã khác.

Câu chuyện về “cán bộ 2-6”

Sau cuộc gọi điện chừng 30 phút, một chuyến xe Limousine đã có mặt trước nhà ông Nguyễn Hồng Hải, ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hơn 2 tiếng sau, ông Hải đã có mặt tại TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). Quảng đường giữa nhà ông và Gia Nghĩa là gần 130km.

Ông Hải từng là cán bộ công tác ở Đắk Nông từ ngày tỉnh tái lập (1/1/2004). Hiện ông đã nghỉ hưu và về ở hẳn tại TP. Buôn Ma Thuột. Thi thoảng, cơ quan cũ hoặc người thân quen mời, ông lại xuống Đắk Nông chơi.

anh-toan-canh(1).jpg
Hạ tầng giao thông Đắk Nông đã có nhiều bước chuyển mình sau gần 20 năm tái lập

Năm 2004, ông Hải cùng nhiều cán bộ được điều động đến Đắk Nông làm việc. Phần lớn những người đến Đắk Nông ngày đó là cán bộ của tỉnh Đắk Lắk. Họ đến Đắk Nông để phát triển một vùng đất mới.

Gia Nghĩa là thị trấn của huyện Đắk Nông, một huyện xa nhất nhì của tỉnh Đắk Lắk (cũ). Sau khi tái lập tỉnh Đắk Nông, Gia Nghĩa chuyển mình lên thị xã, nhưng có quá nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng giao thông.

Ngày đó, cán bộ từ Đắk Lắk xuống Đắk Nông công tác thường mất một buổi để di chuyển. Phần lớn họ đi xe máy hoặc đi xe buýt. Chỉ một số lãnh đạo cao cấp thì có xe ô tô cơ quan chở đi.

do-hoa-giao-thong.png

Sáng sớm thứ 2 hàng tuần, những đoàn xe máy, xe buýt, xe ô tô biển xanh nối đuôi nhau từ Đắk Lắk xuống Gia Nghĩa. Đầu giờ chiều thứ 6, đoàn xe ấy lại ngược về Đắk Lắk. Câu chuyện về “cán bộ 2-6” ở Đắk Nông xuất phát từ đó.

“Đường ngày ấy nhỏ và hư hỏng nhiều, nên khó đi lắm, thường phải mất 4 - 5 tiếng mới từ Buôn Ma Thuột đến được Gia Nghĩa. Nhiều lúc xe máy hỏng giữa đường, phải dắt bộ mấy cây số mới có người sửa”, ông Hải kể.

anh-ql14-daksong(1).jpg
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được nâng cấp, mở rộng đã tạo ra động lực đối với Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung

Năm 2015, đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) qua Tây Nguyên thông tuyến. Toàn bộ 553 km đường từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) được nâng cấp đồng bộ theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng (nền rộng 12m, thảm nhựa 11m).

Từ đó, Đắk Nông đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc. Quãng đường hơn 120 km kết nối trung tâm 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông đã thuận lợi hơn nhiều. Những chuyến xe khách, xe chở hàng hóa ở Đắk Nông đi các nơi tiêu thụ cũng ngày càng nhiều hơn.

Gia Nghĩa được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là nâng cấp đường Hồ Chí Minh. Từ thị xã nhỏ thiếu thốn và đắt đỏ, Gia Nghĩa chuyển mình thành một thành phố trẻ tươi mới. Dịch vụ nhiều hơn và giá cả cũng dần dà rẻ đi. Đời sống của cán bộ, Nhân dân cũng không ngừng khá lên.

anh-gia-nghia(1).jpg
Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tại Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã có nhiều thay đổi

Ông Hải về hưu năm 2020. Ông nhẩm tính khi đó, khoảng 80% người trong cơ quan đã có nhà cửa ổn định và khoảng 30% số cán bộ, nhân viên có xe ô tô.

Ám ảnh với những cung đường

Tháng 10/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Chương trình “Khát vọng Đắk Nông”. Chương trình mục tiêu tôn vinh những đóng góp, cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh. Tỉnh Đắk Nông mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ, đóng góp cho tỉnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tại chương trình, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Orivi Highland khẳng định, Đắk Nông có rất nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp.

Vào khoảng năm 2007 - 2008, ông Kiên đã xây dựng nhà máy thu mua, chế biến nông sản tại huyện Đắk R’lấp. Thế nhưng, ý tưởng gắn bó lâu dài với mảnh đất này của ông Kiên đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Tất cả chỉ vì vấn đề giao thông.

anh-duong-ho-chi-minh-dakrlap.jpg
Hệ thống đường giao thông thuận lợi sẽ giúp Đắk Nông thu hút được các nhà đầu tư đến

Ông Kiên chia sẻ: "Thời điểm đó, đường sá đi lại rất khó. Tôi từ TP. Hồ Chí Minh lên Đắk Nông, ăn một múi sầu riêng rồi ngồi xe bị say luôn. Cảm giác xe lắc lư vì đường xấu cùng với mùi sầu riêng ở Đắk Nông là ám ảnh suốt cuộc đời tôi".

Đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản như Orivi Highland, yếu tố vận chuyển hàng hóa quan trọng không kém gì có được vùng nguyên liệu. Đắk Nông cách TP. Hồ Chí Minh không xa (khoảng 250 km), nhưng di chuyển hết 7 - 8 tiếng đúng là một bài toán khó với doanh nghiệp.

Vào thời điểm Chương trình “Khát vọng Đắk Nông” được tổ chức, thời gian từ TP. Hồ Chí Minh lên Đắk Nông chỉ còn khoảng 4 - 5 tiếng. Đường rộng và dễ đi hơn rất nhiều so với ký ức của ông Kiên.

Trước đó, vào tháng 9/2021, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cả 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua Đắk Nông (Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)) được phê duyệt đầu tư trước năm 2030. Hiện Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 128,8 km đang có tín hiệu hết sức khả quan.

anh-infor.jpg
Tổng quan về Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

“Nếu có đường cao tốc, thời gian di chuyển đến Đắk Nông chỉ còn 2 - 3 tiếng. Trong tương lai gần, Đắk Nông chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư”, ông Kiên chia sẻ.

Mạng lưới giao thông ngày càng đồng bộ

Chia sẻ của ông Hải hay ông Kiên không phải là những nhận định cảm tính. Bởi sau chặng đường gần 20 năm tái lập, mạng lưới giao thông ở Đắk Nông đã thực sự đổi khác.

Năm 2004, Đắk Nông có 3.412 km đường bộ, nhưng tỉ lệ nhựa hóa chỉ đạt 14%. Có 86% đường là đường đất, đường cấp phối. Tỉnh Đắk Nông có 5 bến xe, với chất lượng rất thấp. Toàn tỉnh có 9 đơn vị kinh doanh vận tải, với 122 phương tiện…

Theo Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, hệ thống quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đã cơ bản đầu tư hoàn thành. Các tuyến tỉnh lộ được cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng và đạt kết quả khá...

anh-dakglong(1).jpg
Quốc lộ 28 qua Đắk Nông thường xuyên được nâng cấp, mở rộng
anh-daksong(1).jpg
Đường Hồ Chí Minh tạo ra động lực cho Đắk Nông (Trong ảnh: đường Hồ Chí Minh qua Đắk Song)
anh-gia-nghia-chuan(1).jpg
Bộ mặt Gia Nghĩa - trung tâm của Đắk Nông có nhiều thay đổi
anh-duong-ve-gia-nghia(1).jpg
Các tuyến đường ngày càng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân
anh-dien-mao-gia-nghia(1).jpg
Giao thông đồng bộ sẽ tạo ra đột phá cho sự phát triển của Đắk Nông

Hiện Đắk Nông có 4.683 km đường bộ, trong đó có 3.249 km đường nhựa và bê tông xi măng (chiếm 69,2%). Trong đó, 3 tuyến quốc lộ (quốc lộ 14, quốc lộ 14C và quốc lộ 28) với tổng chiều dài 497 km và 6 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 227 km đã được nhựa hóa 100%. Tỉnh có 82% trong số 700 km đường huyện đã được nhựa hóa và 53% trong số 2.904 km đường xã, thôn, buôn đã được nhựa hóa, cứng hóa…

Trong giai đoạn 2021 - 2025, một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đã và đang được triển khai. Tỉnh Đắk Nông mở mới dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 2, tỉnh lộ 3 và tỉnh lộ 5. Đắk Nông đang phối hợp với Bình Phước thúc đẩy triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Tại Đắk Nông, hệ thống giao thông đối ngoại chính gồm 4 trục dọc, bảo đảm kết nối Đắk Nông với Tây Nguyên, với Duyên hải miền Trung và với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam. Đắk Nông kết nối với Campuchia thông qua 2 cửa khẩu.

anh-3.jpg
Phương án phát triển mạng lưới giao thông Đắk Nông (Nguồn: Sở GTVT Đắk Nông)

Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản nhấn mạnh: Đắk Nông hiện chỉ có duy nhất là đường bộ, nhưng đang từng ngày được nâng cấp, mở rộng, rút ngắn thời gian di chuyển. Khi cao tốc hình thành, nẻo về Đắk Nông sẽ thực sự thay đổi. Không chỉ thu hút được nhiều nhà đầu tư, Đắk Nông sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khi cao tốc hình thành.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nẻo về Đắk Nông nay đã khác
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO