Theo hãng tin Kyodo, ngày 12/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí thông qua một tài liệu quan trọng, trong đó đề ra các lĩnh vực hợp tác chính giữa hai bên trong những năm tới.
Chương trình này sẽ giúp mở rộng phạm vi hợp tác giữa Nhật Bản và NATO trong giải quyết các thách thức an ninh mới lẫn truyền thống, trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động.
Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Kishida trước khi bắt đầu hội nghị tại Vilnius (Litva), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ "không một đối tác nào khác gần gũi với NATO hơn Nhật Bản," đồng thời khẳng định tầm quan trọng của của châu Á đối với châu Âu và ngược lại.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một số mối lo ngại về quân sự đối với NATO hiện nay.
Về phần mình, Thủ tướng Kishida nhất trí sẽ cùng NATO tăng cường hợp tác thông qua chương trình mới, bao trùm các lĩnh vực an ninh hàng hải, không gian, không gian mạng và ngăn chặn thông tin sai lệch.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác với NATO trên cơ sở quan điểm chung, đồng thời thể hiện rõ hơn vai trò của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sau cuộc gặp riêng với Thủ tướng Kishida vào sáng 12/7, Tổng Thư ký Stoltenberg đã tổ chức phiên họp chung với lãnh đạo 4 nước đối tác châu Á-Thái Bình Dương của NATO (AP4), gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.
Lãnh đạo các nước này đã được mời tham gia thảo luận cùng các lãnh đạo NATO trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, diễn ra trong các ngày 11-12/7.
Trước đó, một số nguồn tin quan chức cho biết phiên họp không đề cập đến ý tưởng thành lập một văn phòng liên lạc để tạo điều kiện phối hợp giữa NATO và AP4 tại thủ đô Tokyo.
NATO có xu hướng mở rộng phạm vi hợp tác trên thế giới kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Tổng Thư ký NATO Stoltenberg đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các vấn đề an ninh lớn hiện nay không còn mang tính khu vực mà mang tính toàn cầu.
Trong khi đó, Thủ tướng Kishida luôn khẳng định lập trường cho rằng an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời khỏi châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây Ban Nha hồi năm 2022, NATO đã thông qua tài liệu mang tên "Khái niệm Chiến lược mới" trong đó đề cập những ưu tiên của liên minh trong thập kỷ tới.
Cùng với việc thông qua tài liệu này, NATO và lãnh đạo của nhóm AP4 đã nhất trí củng cố hợp tác trong những lĩnh vực như an ninh mạng và không gian mạng thông qua việc ký kết chương trình hợp tác có tên "Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng" (ITPP)./..