Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 9/5 khẳng định Tokyo và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có mối quan hệ lâu dài và đang thảo luận với các quốc gia thành viên trong khối về việc mở Văn phòng liên lạc NATO tại quốc gia Đông Bắc Á.
Theo Ngoại trưởng Hayashi, Tokyo đề nghị NATO mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản là nhằm đối phó với những thách thức an ninh mới nổi trong khu vực, nhất là từ sau khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, cũng như vấn đề hạt nhân Triều Tiên...
Ông cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra tác động xuyên biên giới ở châu Âu, khiến thế giới ngày càng bất ổn hơn, qua đó buộc Nhật Bản phải tính toán lại thế trận an ninh của mình trong khu vực.
CNN đánh giá việc mở Văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản đánh dấu bước phát triển quan trọng của liên minh quân sự phương Tây trong bối cảnh xuất hiện tình trạng rạn nứt địa chính trị. Tính đến nay, NATO đã mở văn phòng liên lạc tại Ukraine và Vienna (Áo).
Văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản, khi đi vào hoạt động, sẽ đóng vai trò là cơ sở tạo dựng diễn đàn để NATO mở rộng những cuộc thảo luận với các đối tác an ninh của tổ chức trong khu vực như Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Trước đó, trong hội đàm giữa Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại thủ đô Tokyo ngày 31/1, hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ hợp tác về an ninh trong tình hình mới.
Tuyên bố chung sau hội đàm đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Nhật Bản và NATO trong bối cảnh môi trường chiến lược hiện nay có nhiều thay đổi.
Hai bên cùng nhất trí cho rằng cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thay đổi mang tính thời đại và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.
Thế giới đang ở trong môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Về hợp tác Nhật Bản-NATO trong môi trường chiến lược mới, hai bên đánh giá cao sự phát triển của hợp tác Nhật Bản-NATO trong giải quyết các thách thức an ninh truyền thông như an ninh biển, kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, hai bên cũng xác định sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh khác như không gian vũ trụ, không gian mạng, truyền thông chiến lược và tình báo đồng thời xem xét mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ quốc phòng.
Ngoài ra, hướng tới nâng tầm hợp tác Nhật Bản-NATO trong thời đại mới, hai bên khẳng định sẽ tăng cường điều phối chiến lược về hợp tác song phương, vận dụng các khuôn khổ phù hợp để thảo luận hướng đi mới trong tương lai.
Tổng Thư ký Stoltenberg và Thủ tướng Kishida hoan nghênh sự tham gia của NATO với vai trò quan sát viên trong tập trận chung Nhật-Mỹ trong năm 2022 như một biểu tượng về sự hợp tác với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ mở rộng hơn nữa xu hướng này.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ tham gia thường xuyên cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) và Hội nghị Tham mưu trưởng NATO.
Cuối cùng, hai bên bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác Nhật Bản-NATO sẽ thể hiện giá trị trong môi trường an ninh phức tạp và khắc nghiệt hiện nay, góp phần duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền./.