Các binh sỹ NATO tại một trạm kiểm soát trên con đường gần cửa khẩu biên giới Jarinje phía bắc Kosovo, dọc biên giới Kosovo-Serbia, ngày 18/12/2022. (Nguồn: AP)
Ngày 18/6, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhấn mạnh cam kết "không lay chuyển" của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (KFOR) đối với các nhiệm vụ tại vùng lãnh thổ này, trong bối cảnh căng thẳng bùng lên với áp lực gia tăng đối với Serbia về việc bắt giữ 3 cảnh sát tại Kosovo.
Trong một bài đăng trên Twitter, người phát ngôn NATO Oana Lungescu viết: “Cam kết của KFOR đối với việc thực hiện nhiệm vụ của mình là không thay đổi, thể hiện qua việc triển khai bổ sung 500 quân gần đây. Chúng tôi một lần nữa nhắc nhở tất cả các bên về nghĩa vụ của họ đối với KFOR... bao gồm tôn trọng Đường ranh giới hành chính, các thủ tục đối với Cảnh sát Kosovo và Thỏa thuận năm 2013 về việc triển khai Lực lượng An ninh Kosovo ở phía Bắc.”
Lực lượng KFOR của NATO đã tăng lên hơn 4.000 quân sau khi một tiểu đoàn gồm 500 quân tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ được gửi đến Kosovo hai tuần trước.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đụng độ với người biểu tình Serbia vào cuối tháng 5 khiến 30 binh sỹ gìn giữ hòa bình bị thương.
Liên quan đến tình hình khu vực này, ngày 16/6, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã kêu gọi các nước phương Tây ngăn chặn các hành động gây căng thẳng của chính quyền Kosovo ở Pristina và ngăn chặn cuộc chiến mới ở Balkan. Đợt căng thẳng mới đang diễn ra ở Kosovo và Metohija.
Ngày 14/6, Serbia tuyên bố bắt giữ ba lính đặc nhiệm Kosovo trên lãnh thổ Serbia. Ngày 15/6, Tổng thống Serbia đã gặp các đại sứ của nhóm Quinta (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy) và trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại Serbia.
Tại Belgrade, Tổng thống Vucic cũng đã gặp chỉ huy lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Kosovo và Metohija (KiM) KFOR, Tướng Michele Ristuccia.
Trên tài khoản mạng xã hội, Tổng thống Serbia cho biết: "Tôi đã nói chuyện với đại diện của Quinta và EU. Tôi yêu cầu họ làm mọi thứ trong khả năng của mình và không để gây ra một cuộc chiến mới ở Balkan."
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Belgrade phải thả ba cảnh sát.
Hôm 14/6, Kosovo cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa và cung cấp hàng hóa từ miền Trung Serbia. Tổng thống Vucic cáo buộc Kosovo ngăn cản người Serbia ở miền Bắc vùng lãnh thổ này có được thức ăn và thuốc men.
Tình trạng bất ổn trong khu vực đã gia tăng kể từ cuộc bầu cử tháng 4, sau khi người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti quyết định bổ nhiệm một loạt thị trưởng sắc tộc Albania tại những khu vực đông người gốc Serbia sinh sống.
Kosovo - vùng lãnh thổ có dân số chủ yếu là người gốc Albania, từng là một tỉnh của Serbia, nhưng đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008. Đến nay, Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình./.