Mới đây, thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng), được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á (IFEA Asia) trao giải thưởng Thành phố Lễ hội châu Á, và thuộc nhóm 5 thành phố festival ấn tượng của châu lục này. Giải thưởng dựa trên kết quả tổ chức thành công các kỳ “Festival hoa Ðà Lạt” kể từ năm 2005 đến nay.
Hoa trên thành phố ngàn hoa
Thành phố Ðà Lạt là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Lâm Ðồng. Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển và được các dãy núi, cùng quần thể hệ thực vật rừng, nhất là rừng thông bao quanh, Ðà Lạt và vùng phụ cận có khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng cho rằng: “Khó có nơi đâu ở Việt Nam và trên thế giới mà trong điều kiện tự nhiên, các loại hoa đặc trưng ở các châu lục có xuất xứ từ vùng khí hậu ôn đới đến khí hậu nhiệt đới đều trồng được như ở Ðà Lạt. Ðà Lạt được biết đến như một “vương quốc hoa”, với hàng nghìn loài trang điểm cho thành phố, cho cuộc sống hằng ngày thêm tươi đẹp và hấp dẫn du khách suốt bốn mùa”.
Ðà Lạt xứ ngàn hoa quanh năm khoe sắc. Ðiều thú vị ở Ðà Lạt là mỗi đường phố được trồng các loại hoa riêng để tạo điểm nhấn, như mai anh đào ở đường Trần Hưng Ðạo, mimosa trên đường đèo Mimosa, hoa ban ở đường Trần Phú, Quang Trung; hoa hồng ở đường Ba Tháng Tư, Hồ Tùng Mậu... Những tuyến đường ở Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm được đặt theo tên các loài hoa. “Hoa luôn hiện diện ở các khu, điểm du lịch; hoa có hàng nghìn loài ở vườn hoa thành phố Ðà Lạt mà không nơi nào ở Việt Nam có được, điều đó cho thấy Ðà Lạt là thiên đường hoa, là thành phố ngàn hoa”, Tiến sĩ Phạm S cho biết.
Tạm xa nhịp điệu phố phường, về các làng hoa truyền thống ven đô Ðà Lạt để được trải nghiệm cùng hoa, tìm hiểu quy trình sản xuất hoa công nghệ cao; để nghe những lão nông ở làng hoa truyền thống Vạn Thành kể truyền thuyết hoa hồng, về làng hoa Thái Phiên, Ða Thiện, Xuân Thành để nghe kể chuyện hoa cúc, lily, cát tường... Và đến làng hoa Hà Ðông để ngược miền ký ức, về nơi khai mở nghề trồng hoa Ðà Lạt.
Vào những năm cuối thập niên 30 thế kỷ trước, những cư dân đầu tiên từ các làng hoa Quảng Bá, Nhật Tân, Ngọc Hà, Xuân Tảo… vượt hàng nghìn cây số vào cao nguyên hoang sơ lập nên ấp Hà Ðông (Phường 8, TP Ðà Lạt ngày nay). Trong hành trình đến với miền đất mới, họ không chỉ mang theo hạt giống rau, hoa, mà còn mang những kinh nghiệm nghề nông của quê hương để lập nên làng hoa truyền thống đầu tiên tại Ðà Lạt.
Giờ đây, Ðà Lạt đã trở thành một vùng nông nghiệp công nghệ cao nổi tiếng của cả nước và quốc tế. Thương hiệu “Hoa Ðà Lạt” đã tạo được vị thế không dừng lại ở góc độ cảnh quan, mà được định vị là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường. Hiện tại tỉnh Lâm Ðồng đã quy hoạch ba vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao, với quy mô hơn 388 ha, gồm hai vùng tại thành phố Ðà Lạt và tại huyện Ðức Trọng. Tỉnh cũng đã công nhận hai vùng sản xuất hoa công nghệ cao tại Phường 5 và 12, thành phố Ðà Lạt.
Sản xuất hoa công nghệ cao Ðà Lạt đã có những bước tiến vượt bậc; nhiều ứng dụng thông minh trong nông nghiệp đã triển khai hiệu quả, như công nghệ nhân giống invitro, IoT, đèn LED, truy xuất nguồn gốc điện tử… nhằm tận dụng cao nhất lợi thế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao. Năm 2023, diện tích gieo trồng hoa tại Ðà Lạt là hơn 6.070 ha, sản lượng hơn 2,5 tỷ cành; giá trị sản phẩm thu hoạch cây hoa cắt cành bình quân đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, một số mô hình canh tác hoa cao cấp đạt giá trị đến 3 tỷ đồng.
Đà Lạt, thành phố lễ hội châu Á
Cuối tháng 2/2024, tại Lễ trao giải thành phố lễ hội châu Á và giải thưởng lễ hội châu Á, thuộc sự kiện Giải thưởng đỉnh cao 2024 và Hội nghị Thành phố lễ hội châu Á, tổ chức tại Thái Lan, thành phố Ðà Lạt được IFEA Asia trao giải thưởng thành phố lễ hội châu Á, dựa trên kết quả tổ chức thành công các kỳ “Festival hoa Ðà Lạt”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Lạt Ðặng Quang Tú thông tin, Festival hoa Ðà Lạt được công nhận ở hạng mục “Festival hoa và vườn đẹp nhất”, thuộc nhóm năm thành phố festival ấn tượng của châu Á. “Thông qua hoạt động Festival hoa Ðà Lạt, nghề trồng hoa được tôn vinh và khẳng định thương hiệu hoa Ðà Lạt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Ðây cũng là dịp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về phong cách người Ðà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, quảng bá thương hiệu du lịch Ðà Lạt-Lâm Ðồng và các nông sản địa phương... Ðến nay, có thể khẳng định, Festival hoa Ðà Lạt đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế”, ông Tú cho biết.
Năm 2003, nhân kỷ niệm 110 năm Ðà Lạt hình thành và phát triển, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất lành, tỉnh Lâm Ðồng đã tổ chức sự kiện văn hóa-nghệ thuật quy mô, trong đó có các hoạt động quảng bá, giới thiệu và thu hút đầu tư ngành hoa. Ðây được xem như sự kiện khởi đầu cho các kỳ Festival hoa ngày nay.
Năm 2024, Ðà Lạt tổ chức Lễ hội sắc hoa. Trên cơ sở thành công của lễ hội, tỉnh Lâm Ðồng chính thức tổ chức “Festival hoa Ðà Lạt” lần thứ nhất - năm 2005 và tiếp tục tổ chức định kỳ hai năm một lần. Năm 2009, Ðà Lạt được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Thành phố Festival hoa Việt Nam”. Ðến nay, thành phố Ðà Lạt đã tổ chức chín kỳ Festival hoa, với chủ đề thay đổi theo từng kỳ, xoay quanh việc quảng bá, xúc tiến đầu tư cho ngành hoa, trà, tơ lụa và phát triển du lịch địa phương.
“Qua các kỳ tổ chức Festival hoa, thành phố Ðà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Ðồng đã gặt hái nhiều thành công trong mục tiêu phát triển ngành hoa và du lịch - là thế mạnh của địa phương. Festival hoa Ðà Lạt đã để lại ấn tượng tốt trong lòng nhân dân và du khách, tạo động lực mạnh mẽ để nghề trồng hoa và du lịch Ðà Lạt phát triển vượt bậc”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Lạt khẳng định.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hoa của Lâm Ðồng đạt hơn 69,3 triệu USD, chủ yếu ở một số thị trường, như Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Singapore, Nga...; trong đó, thành phố Ðà Lạt chiếm hơn 80 mặt hàng hoa xuất khẩu cả tỉnh. Ðà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn, với lượng du khách tăng hằng năm, như năm 2005 là 1,15 triệu lượt, năm 2015 là 4 triệu lượt và đến năm 2023, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ðà Lạt đạt 6,7 triệu lượt. Sau các kỳ tổ chức thành công, để lại ấn tượng đẹp, sâu sắc trong lòng du khách và bạn bè trong nước, quốc tế; Festival hoa Ðà Lạt - một sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch đã vươn tầm trở thành một không gian văn hóa, nghệ thuật, thương mại và đầu tư, góp phần đưa Ðà Lạt - Lâm Ðồng ra với thế giới.