Nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)| 09/04/2023 09:44

Trọng tâm hợp tác Việt Nam-Hà Lan từ năm 2023 là cụ thể hóa những cam kết của hai chính phủ, mà trọng tâm là hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Nang tam hon nua quan he hop tac doi tac toan dien Viet Nam-Ha Lan hinh anh 1Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 9/4/2023 đánh dấu 50 năm Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Âu đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh về những thành tựu hợp tác song phương cũng như nỗ lực của hai nước thúc đẩy mối quan hệ này.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về thành tựu của quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong 50 năm qua? Đâu là những thế mạnh hai nước cần phát huy?

Đại sứ Phạm Việt Anh: Năm 2023, Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao với những dấu mốc, thành tựu quan trọng. Có thể khẳng định mối quan hệ giữa hai nước suốt thời gian dài rất tốt đẹp, cởi mở, thẳng thắn và được coi là mẫu mực của quan hệ giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Đã có nhiều con số phản ánh đầy đủ và toàn diện những thành tựu trong các lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương.

Trước hết, quan hệ hai nước đã có bước chuyển quan trọng sang một giai đoạn mới với hình thức và nội hàm mới. Trước đây, khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chiến tranh và hậu quả của nó, Hà Lan đã giúp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ lúc đó thiên về cho và nhận. Hiện nay, khi Việt Nam có nhiều bước phát triển, quan hệ trở nên hợp tác bình đẳng, trên cơ sở cùng nỗ lực và cùng có lợi.

Thứ hai, mối quan hệ đã không ngừng được nâng tầm theo thời gian. Hai bên đã sớm nhận ra “cơ duyên hợp tác” từ sự tương đồng hoàn cảnh trước thách thức của thiên nhiên và biến đổi khí hậu, trước vị thế địa chính trị chiến lược để dần nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực, đó là Đối tác Chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (từ năm 2010) và Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (từ năm 2014) và gần đây, hai nước nâng cấp lên đối tác toàn diện (từ năm 2019).

Thứ ba, trong thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam không thể không nhắc tới những đóng góp quan trọng của Hà Lan. Những bước phát triển ngoạn mục của nông nghiệp Việt Nam một phần có được nhờ hợp tác với Hà Lan ở các cấp độ và hình thức phong phú, từ chính phủ đến địa phương, hợp tác trong giới nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước hợp tác chặt chẽ trong cả những vấn đề rộng lớn hơn như chống và ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước với cách tư duy, cách tiếp cận và kỹ thuật Hà Lan. Thành quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng là điều khó định lượng cụ thể.

Thành tựu của hợp tác trong lĩnh vực này đã tác động lâu dài, bền bỉ, tạo nên sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức và cách làm của nhiều người Việt Nam trong nhiều lĩnh vực suốt 50 năm qua.

Những thành tựu của hai nước trong nửa thế kỷ hợp tác đã tạo nên sức mạnh, nền tảng cho sự phát triển quan hệ hợp tác trong tương lai. Ngày nay, sự gần gũi trong nhận thức và biện pháp ứng phó với các thách thức toàn cầu đang là sự tiếp biến của những tương đồng về hoàn cảnh và tư duy của hai nước trong quá khứ.

Đó là chưa kể sự đồng điệu trong tinh thần vì hòa bình, công lý và tôn trọng những giá trị cốt lõi của nhân loại. Điều đó đã thôi thúc nhân dân Hà Lan ủng hộ nhiệt thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam và đã trở thành tài sản, là bệ đỡ tinh thần quan trọng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Có thể khẳng định thành tựu đáng mừng trong quan hệ hai nước cũng chính là thế mạnh mà hai bên cần quan tâm phát huy, góp phần vào sự phát triển bền vững và hòa bình của thế giới.

- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương và phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?

Đại sứ Phạm Việt Anh: Mặc dù hai nước đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện ở một số lĩnh vực, nhưng kết quả hợp tác vẫn chưa được như kỳ vọng. Những dự án hợp tác đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ so với những yêu cầu mới từ những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, từ yêu cầu phát triển bền vững buộc mọi quốc gia phải tham gia, hợp tác.

Năng lực của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quy hoạch và xây dựng cảng biển, kết nối các cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống logistics, nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…vẫn còn là dư địa rộng lớn để đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Hà Lan đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả cao hơn.

Nang tam hon nua quan he hop tac doi tac toan dien Viet Nam-Ha Lan hinh anh 2Đại sứ Phạm Việt Anh thăm một trang trại tại Thành phố Oss thuộc tỉnh Bắc Brabant (Hà Lan), tháng 3/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Trên trường quốc tế, hai nước duy trì sự đồng thuận, ủng hộ lẫn nhau và cùng phối hợp trong nhiều vấn đề. Có thế nói, mối quan hệ chính trị của hai nước đã tạo dựng được mức độ tin cậy nhất định để chia sẻ quan điểm tại các diễn đàn đa phương. Do đó, sự phối hợp, hợp tác song phương ở các diễn đàn đa phương nhìn chung sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp.

- Thưa Đại sứ, trong năm nay, các cơ quan chức năng Việt Nam và Hà Lan đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm sự kiện này tại hai nước?

Đại sứ Phạm Việt Anh: Hai nước đều có những bước chuẩn bị sớm, quan trọng và cụ thể để tổ chức những sự kiện thiết thực chào mừng năm kỷ niệm.

Từ năm 2022, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội đã có những chuẩn bị thật tinh tế, kết hợp trưng bày mâm ngũ quả mang tính biểu trưng trong văn hóa Việt Nam trên đĩa gốm lam đặc trưng của thành phố Delft, được mệnh danh là nôi của gốm lam Hà Lan, thể hiện sự hòa quyện của hai nền văn hóa.

Bộ Ngoại giao Hà Lan đã tổ chức cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 50 năm. Người giành chiến thắng tình cờ lại là người Việt Nam được nhận làm con nuôi ở Hà Lan từ khi còn rất nhỏ. Đây cũng là một biểu hiện sinh động cho mối quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước.

Các Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn trao đổi với tôi về ý tưởng và kế hoạch để phối hợp hoạt động. Chắc chắn, tại mỗi nước sẽ có những hoạt động chung và riêng, phong phú và thiết thực để mừng dịp kỷ niệm này.

- Theo Đại sứ, Việt Nam và Hà Lan cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?

Đại sứ Phạm Việt Anh: Muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thì trước tiên phải tạo dựng, củng cố và tăng cường lòng tin. Chỉ khi có sự tin tưởng, hai bên mới có thể cởi mở, hết lòng thúc đẩy quan hệ thực chất và hiệu quả.

Từ trước đến nay, hai nước đã thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau và để thúc đẩy điều này, cần tiếp tục thường xuyên tham vấn, trao đổi, tham khảo ở các cấp, từ địa phương đến trung ương để làm sâu sắc hơn sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau.

Thứ hai, muốn củng cố sự tin cậy, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác, đưa hợp tác đi vào chiều sâu để đem lại hiệu quả nhiều hơn nữa cho mỗi bên.

Hợp tác kinh tế giữa các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu mang lại những kết quả cụ thể, phục vụ hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước của mỗi nước sẽ là cơ sở làm tăng mức độ tin tưởng lẫn nhau, tạo lợi ích đan xen, hài hòa và cùng có lợi. Hiệu quả hợp tác và lòng tin có mối quan hệ biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau.

Thứ ba, để hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, hai nước cần cùng nhau phát huy các kênh hợp tác sẵn có nhưng phải cụ thể hơn và ở tầm cao hơn. Cụ thể phải từ mục tiêu đến các biện pháp, từ lộ trình đến phân công thực hiện. Cụ thể phải thể hiện cả trong công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá theo cơ chế riêng của mỗi bên cũng như cơ chế chung.

Nang tam hon nua quan he hop tac doi tac toan dien Viet Nam-Ha Lan hinh anh 3Các em học sinh trong tiết học thực hành tại trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam - ngôi trường thắm tình hữu nghị Việt Nam-Hà Lan. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hiện nay, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan chỉ theo dõi hợp tác trong Đối tác Chiến lược về Thích ứng biến đổi khí hậu và Quản lý nước. Bộ Nông nghiệp hai nước theo dõi hợp tác trong Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Tuy nhiên, khi nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện, hai bên cần có cơ chế chung để theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả của quan hệ hợp tác.

Thứ tư, do nền kinh tế có độ mở cao, các địa phương và doanh nghiệp Hà Lan có vai trò lớn trong việc trực tiếp tạo ra sản phẩm nên có độ tự chủ, độc lập và linh hoạt rất cao. Văn hóa giao tiếp Hà Lan là trực diện, cụ thể nên khi đặt vấn đề hợp tác cần có đầy đủ thông tin và cách tiếp cận giúp hình dung trước được kết quả hợp tác.

Như vậy, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thực tiễn các thế mạnh, những định hướng, những đặc điểm và yêu cầu khắt khe của thị trường Hà Lan, chuẩn bị sẵn những thế mạnh, tiềm năng, nhu cầu, định hướng của mình để kết nối thành công với các đối tác cụ thể của Hà Lan ở từng địa phương, lĩnh vực, từng ngành nghề.

Như vậy quan hệ hợp tác mới đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai nước. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước đã và luôn là cầu nối hiệu quả cho những quan hệ hợp tác như vậy.

- Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo?

Đại sứ Phạm Việt Anh: Chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 12/2022 đã khẳng định quyết tâm hợp tác của Việt Nam, góp phần thắt chặt và nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan.

Trọng tâm hợp tác hai nước trong năm 2023 và những năm sau đó chính là cụ thể hóa những cam kết của hai chính phủ trong chuyến thăm nói trên mà trọng tâm chính là hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Mô hình của Brainport Eindhoven đã là khởi nguồn cho mong muốn của Thủ t ướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi thăm Hà Lan cuối năm 2022, đó là có một Brainport của Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã mở đầu sự kiện hợp tác năm 2023 bằng chuyến thăm Brainport để cụ thể hóa dự án xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam theo mô hình Hà Lan.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-hon-nua-quan-he-hop-tac-doi-tac-toan-dien-viet-namha-lan/856152.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-hon-nua-quan-he-hop-tac-doi-tac-toan-dien-viet-namha-lan/856152.vnp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nâng tầm hơn nữa quan hệ hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO