Đời sống

Nâng tầm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Mỹ Hằng 28/09/2023 06:38

Vượt qua tái thẩm định lần thứ I, nhận được thẻ xanh, mở ra một chặng đường phát triển mới cho Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Nâng cao nhận thức

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông, trải dài trên 6 huyện, thành phố. Là một phần của cao nguyên M'Nông nên thơ, hùng vĩ, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản CVĐC, Ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông triển khai các nội dung khuyến nghị của tổ chức UNESCO, mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho biết: “Sau khi được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC. Ban Quản lý tham mưu Sở VHTT&DL, UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức Nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị CVĐC, phát triển du lịch bền vững, hợp tác quốc tế… với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả”.

img_0965(1).jpeg
Một góc thác Đray Sáp ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức di sản CVĐC cho hàng ngàn lượt học sinh từ mầm non đến THPT. Các nhà trường tổ chức cho học sinh hoạt động ngoại khóa, đi thực tế 3 tuyến CVĐC, thi tìm hiểu về CVĐC... Ngành Giáo dục phối hợp Đoàn thanh niên các cấp tổ chức lao động tình nguyện dọn dẹp, vệ sinh môi trường điểm di sản vùng CVĐC...

Em Nguyễn Ngọc Hương, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) chia sẻ: “Được tham gia trải nghiệm 3 tuyến trong CVĐC, em tự hào quê hương mình có nhiều giá trị di sản CVĐC tầm cỡ quốc tế. Qua đó, em nhận thấy phải có trách nhiệm giữ gìn, tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cho bạn bè, gia đình, mọi người xung quanh về niềm tự hào và ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản CVĐC”.

hinh-hang-c7(1).jpg
Hệ thống hang động CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, “Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, phát hành thường kỳ bản tin CVĐC, duy trì trang website Dak Nong Geopark song ngữ Việt- Anh để quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông ra thế giới. Ban xây dựng mạng lưới đối tác CVĐC và phát triển thương hiệu, sản phẩm CVĐC. Đơn vị tham mưu cho tỉnh và tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị, cuộc họp với các quốc gia có CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế để học tập, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn các di sản địa chất với các CVĐC thành viên.

Người dân, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong vùng CVĐC được tập huấn, hỗ trợ, tư vấn bảo vệ giá trị di sản địa chất gắn với bảo tồn không gian kiến trúc, làng nghề, ẩm thực, dân ca dân vũ, phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân.

img_2953(1).jpg
Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông vô cùng độc đáo.

Thông qua thẻ xanh

CVĐC toàn cầu là một danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận với những bộ tiêu chí khắt khe về cảnh quan môi trường, văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch. Các CVĐC phải thực hiện tốt các tiêu chí được đặt ra và hội đồng tiến hành thẩm định 4 năm một lần.

Riêng đối với Đắk Nông, từ khi được công nhận đến nay, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước. Được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia UNESCO, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của làn gió mới”, “Âm vang từ Trái đất”, với 41 điểm di sản.

Sau kỳ tái thẩm định của các chuyên gia, đợt 30/6 vừa qua CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thành công vượt qua việc tái đánh giá lần thứ nhất. Đặc biệt, trong ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 8 vào sáng 5/9/2023, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã chính thức thông qua thẻ xanh cho đợt tái thẩm định CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Quyết định này mở ra một chặng đường phát triển mới cho CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Điều này, cũng ghi nhận những kết quả và nỗ lực của chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông thời gian qua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình khai thác, vận hành hiệu quả và rất cần địa phương có những chính sách phát triển phù hợp. Bởi, các nội dung xây dựng CVĐC toàn cầu là một nhiệm vụ mới, Đắk Nông chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển theo các tiêu chí, định hướng của UNESCO. Mặt khác, việc xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông cần một nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tập trung triển khai thực hiện 16 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Trọng tâm là cải thiện hình ảnh, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý và tăng cường hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế.

Cũng theo bà Khúc Thị Thoi, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước nâng tầm giá trị, từng bước vượt qua kỳ tái đánh giá lần thứ I và nhận được thẻ xanh của UNESCO. Vì vậy, trước mắt, để bảo vệ, phát huy những thành quả đạt được và nâng tầm các giá trị CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đào tạo nguồn nhân lực, lao động du lịch thì các huyện, thành phố trong vùng CVĐC đẩy mạnh xây dựng và phát triển các giá trị, di sản bảo đảm theo các tiêu chí của một CVĐC toàn cầu UNESCO.

Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc theo các khuyến nghị của UNESCO đưa ra. Ngoài ra, UBND tỉnh, các địa phương, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với mỗi điểm đến của CVĐC, phù hợp với các quy hoạch chung của tỉnh...

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nâng tầm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO