Nắng nóng hoành hành và bài toán chuyển đổi năng lượng tại châu Á

(Vietnam+)| 24/06/2023 08:00

Tình trạng nắng nóng kỷ lục hoành hành nhiều nước châu Á gây ra tình trạng thiếu điện và mất điện, đã đặt ra thử thách cho khả năng cung cấp và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Nang nong hoanh hanh va bai toan chuyen doi nang luong tai chau A hinh anh 1Các lái xe máy chở khách tránh nắng nóng tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Trung Quốc, Thượng Hải hứng chịu một tháng 5 nóng nhất trong hơn trăm năm qua với nhiệt độ cao kỷ lục 40,2 độ C. Đợt nắng nóng này dự kiến sẽ còn kéo dài tại khu vực miền Nam trong vài ngày tới.

Ấn Độ, Pakistan và khu vực Đông Nam Á hồi tháng 4 cũng đã trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng, gây hư hại nặng nề về cơ sở vật chất và làm gia tăng số ca đột quỵ do nắng nóng.

Bangladesh cũng trải qua đợt nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45 độ C. Kỷ lục về nhiệt độ tiếp tục được ghi nhận trong tháng 5 khi đây là tháng nóng nhất của Singapore trong 40 năm qua.

Các nhà nghiên cứu từng cảnh báo các khu vực ít hứng chịu đợt nắng nóng có thể gặp nguy cơ cao nhất, như thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và khu vực lân cận.

Các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỷ người sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan nếu đà tăng nhiệt độ Trái Đất duy trì như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này, trong đó Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến một loạt bệnh tật và tử vong, trong đó các hiện tượng chính phải kể đến là say nắng và tăng thân nhiệt.

Nhiệt độ cực đoan cũng làm trầm trọng thêm các tình trạng mãn tính và có tác động gián tiếp đến việc truyền bệnh, chất lượng không khí và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động chân tay và làm việc ngoài trời, vận động viên và người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương trước nhiệt độ cao hơn.

Tình trạng nắng nóng kỷ lục hoành hành nhiều nước khu vực châu Á đang đặt ra thử thách cho khả năng cung cấp và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo nguồn cung dự phòng, nâng cấp hệ thống truyền tải, cải cách thuế để đảm bảo độ tin cậy của mạng lưới điện và thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng xanh.

Nắng nóng khiến tình trạng thiếu điện và mất điện diễn ra, gây nhiều thiệt hại với một số nước trong khu vực.

Việc cải thiện mức độ tin cậy của mạng lưới điện ở các nước châu Á sẽ cần phải trải qua công tác nâng cấp đầy tốn kém. Chỉ riêng việc nâng cấp mạng lưới truyền tải và phân phối điện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tiêu tốn ít nhất 2.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới.

Trong khi đó, thực tế là khó có thể dự đoán và kiểm soát được nguồn điện năng thu nhận được từ năng lượng gió và mặt trời vì còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ở từng địa phương, nơi các nhà máy loại này được lắp đặt.

Ngoài ra, cũng khó có thể tăng cường huy động công suất của các cơ sở sản xuất điện từ năng lượng tái tạo mới như vậy khi phải đối phó với nhu cầu điện tăng đột biến.

Nang nong hoanh hanh va bai toan chuyen doi nang luong tai chau A hinh anh 2Các kỹ sư kiểm tra hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái một studio ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng Tái Tạo Quốc tế (IREA) cho biết công suất năng lượng xanh ở khu vực châu Á tăng 12% trong năm 2022, mức tăng nhanh nhất trong số những khu vực chính trên thế giới.

Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự báo tỷ lệ năng lượng tái tạo bao gồm cả thủy điện trong tổng công suất năng lượng xanh của châu Á sẽ tăng lên 28% trong năm 2023, tức tăng gấp đôi so với mức của năm 2011. Trong đó, chủ đạo vẫn là nguồn năng lượng gió và mặt trời.

IREA cho biết công suất sử dụng năng lượng tái tạo đã tăng kỷ lục trong năm 2022, với mức tăng gần 10% trên toàn cầu. Trong đó, châu Á là khu vực chứng kiến mức tăng trưởng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo lớn nhất trong năm 2022.

Trung Quốc là nước đóng góp chính với 141 GW công suất năng lượng tái tạo mới, gần một nửa trong tổng số 295 GW công suất mới toàn cầu. Mặc dù vậy, nước này đã phải duy trì khả năng sẵn sàng hoạt động của các nhà máy điện sử dụng than và sử dụng khí đốt tự nhiên để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ và ứng phó trong trường hợp nhu cầu gia tăng đột biến khi nắng nóng đến sớm.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đẩy mạnh sản xuất than ở trong nước và tăng cường lưu trữ ở mức cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, đồng thời kéo dài việc thực hiện chỉ thị khẩn cấp buộc các nhà máy nhiệt điện phải sử dụng than nhập khẩu để tối đa hóa sản lượng./.

(Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nang-nong-hoanh-hanh-va-bai-toan-chuyen-doi-nang-luong-tai-chau-a/870940.vnp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng hoành hành và bài toán chuyển đổi năng lượng tại châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO