Từ ngày 1/1/2023 đơn vị của bà Trang được UBND tỉnh giao quyền tự chủ, là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (nhóm 2).
Bà Trang hỏi, khi chuyển đổi từ đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm 100% chi thường xuyên thì nguồn cải cách tiền lương còn dư đơn vị có phải nộp lại Ngân sách Nhà nước không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Việc trích và sử dụng nguồn cải cách tiền lương đối với đơn vị tự chủ toàn phần chi thường xuyên, đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương hàng năm (Thông tư số 50/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính đối với năm 2023)
Theo đó, tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 50/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định:
"4. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh tiền lương theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP".
Căn cứ theo các quy định trên, khi đơn vị chuyển đổi loại hình từ đơn vị nhóm 3 sang đơn vị nhóm 2 thì nguồn cải cách tiền lương đã trích đúng, đủ theo tỷ lệ được tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương.
Mai Chi