Năng lượng mặt trời ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở Đức

Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)| 21/06/2023 06:00

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân ở Đức sử dụng các hệ thống năng lượng mặt trời để tạo ra điện.

Nang luong mat troi ngay cang duoc su dung nhieu hon o Duc hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết năng lượng mặt trời ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở Đức.

Theo Destatis, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân ở Đức sử dụng các hệ thống năng lượng mặt trời để tạo ra điện.

Trong tháng 3, tổng số gần 2,6 triệu hệ thống quang điện với tổng sản lượng khoảng 70.600 MW đã được lắp đặt trên các mái nhà và trên mặt đất.

So với cùng kỳ năm 2022, số lượng hệ thống được lắp đặt mới đã tăng 16% và công suất lắp đặt mới tăng 21%.

Năm 2022, các hệ thống quang điện ở Đức đã cung cấp tổng cộng 54,3 triệu MW giờ điện vào lưới điện, tăng 20% so với năm 2021, nâng tỷ lệ điện Mặt Trời trong tổng sản lượng điện của Đức lên mức gần 11% (năm 2021 là 9%).

Nước Đức đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, thay thế việc sử dụng năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo xanh và bền vững hơn. Trong đó, điện gió và điện Mặt Trời được xác định là những trụ cột quan trọng, vì tiềm năng mở rộng cao nhất và cũng hiệu quả nhất về chi phí.

Chính phủ Đức đã đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% lượng điện tiêu thụ ở Đức đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ Đức đã triển khai rất nhiều giải pháp quyết liệt, từ việc thay đổi các quy định cũ, ban hành nhiều quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, cho tới hỗ trợ và thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, tăng cường hợp tác với các đối tác, mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới truyền tải điện...

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng việc mở rộng năng lượng tái tạo ở Đức vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng đặt ra, nước Đức còn rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, sản lượng điện mặt trời tại EU dự kiến đạt 920GW vào năm 2030, tăng 37% so với ước tính 672GW trước khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, nhờ phản ứng của các nước thành viên đối với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột.

Theo trang Anadolu Agency, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực loại bỏ các rào cản để xin giấy phép là một trong những phản ứng chính của các chính phủ châu Âu nhằm giảm bớt khủng hoảng năng lượng và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.

Với việc lần đầu tiên vượt ngưỡng 50GW vào năm 2023, công suất năng lượng mặt trời tích lũy ở EU dự kiến sẽ đạt 400GW vào năm 2025.

Heymi Bahar, nhà phân tích cấp cao tại IEA, nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng là "chất xúc tác" để các chính phủ đơn giản hóa các quy trình cấp phép.

Ông Bahar nói rằng thời gian cấp phép kéo dài đã là một vấn đề trong nhiều năm và việc loại bỏ các rào cản trong qua trình cấp phép giúp đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Trong khi năng lượng mặt trời tăng trưởng theo cấp số nhân, công suất năng lượng gió tại EU có thể tăng tốc dần dần.

Nhà phân tích Harriet Fox thuộc công ty tư vấn năng lượng Ember lưu ý lạm phát cao và vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất điện gió. Tổng công suất điện gió ở châu Âu hiện nay là 255GW.

Không giống như năng lượng mặt trời, dự báo tăng trưởng điện gió ở châu Âu hầu như không thay đổi so với ước tính trước khi bùng phát xung đột tại Ukraine.

Châu Âu dự kiến sẽ lắp đặt 129GW công suất điện gió mới trong giai đoạn 2023-2027./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nang-luong-mat-troi-ngay-cang-duoc-su-dung-nhieu-hon-o-duc/869269.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/nang-luong-mat-troi-ngay-cang-duoc-su-dung-nhieu-hon-o-duc/869269.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Năng lượng mặt trời ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở Đức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO