Ông Ngô Duy Ứng, Phó giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện. |
Mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Tại tỉnh Gia Lai, từ tháng 4/2024, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức khảo sát, sưu tầm tại 2 xã Ia Hrú, Chư Don nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số về những thay đổi trong thực hiện bình đẳng giới, sau khi thành lập Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu xã Ia Hrú.
Chương trình được tổ chức với 2 hoạt động chính là tọa đàm “Tự tin tỏa sáng” cùng triển lãm “Ước mơ của em” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện với sự tham dự của 600 em học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu và các vị khách mời.
Chương trình triển lãm " Ước mơ của em" thu hút nhiều đại biểu và các em học sinh tham dự. |
Chương trình tọa đàm là buổi giao lưu đặc biệt giữa đại diện Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu thầy Nguyễn Hữu Trung, Tổng phụ trách Đội, dẫn trình viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với hai vị khách mời là bạn Sùng Thị Sơ, dân tộc H'Mông, tỉnh Yên Bái hiện làm việc tại Công ty Luật TNHH Kiên Trần; bạn H’Nen Nie, dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắc Lắk, hiện là sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cùng câu chuyện “xé rào định kiến”, nỗ lực cố gắng vươn lên để toả sáng và lan toả những năng lực tích cực trong cộng đồng.
Triển lãm là những câu chuyện và chia sẻ về hành trình của phụ nữ và trẻ em vùng cao đã và đang nỗ lực vượt qua rào cản giới thông qua nhiều hoạt động hiệu quả của Dự án 8 và tiêu biểu là mô hình “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập trong các trường học tại Lào Cai, Gia Lai, Điện Biên, Quảng Bình và nhiều địa phương khác trên cả nước… triển lãm mang thông điệp mạnh mẽ kêu gọi sự chung tay đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em dân tộc thiếu số và miền núi trong hành trình xoá bỏ rào cản giới để khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội.
Phụ nữ trẻ em nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rào cản khuôn mẫu giới. Để xóa bỏ những rào cản vô hình, rất cần “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, và các em học sinh, khi được trang bị kiến thức và kỹ năng sẽ chính là những “thủ lĩnh” đó để lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin làm chủ cuộc sống”. Đây là hoạt động trọng tâm mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hướng đến năm 2024 trong việc thực hiện dự án 8.
Chư Pưh là một trong những huyện triển khai Dự án 8 đạt nhiều chỉ tiêu cao giai đoạn 1 2021-2025 trong đó tiêu biểu như: 11/14 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động, đạt tỷ lệ 78,6% so với kế hoạch; 3/3 Địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch; 2/3 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động, đạt tỷ lệ 66,67% so với kế hoạch.