Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại, cháu nuôi; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột. Những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
Bộ tiêu chí được phổ biến, áp dụng với mọi gia đình và các thành viên trong gia đình trên địa bàn tỉnh. Các thành viên thuộc nhóm vợ chồng; ông bà, cha mẹ và con, cháu; anh, chị, em trong gia đình ngoài thực hiện tiêu chí ứng xử chung thì có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí cụ thể được quy định tại Bộ tiêu chí.
5 tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm: Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Thủy chung, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Để triển khai Bộ tiêu chí, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, các loại hình truyền thông mới, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội… Các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí sẽ chú trọng vào đối tượng học sinh để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em.
Năng lực và trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình các cấp tiếp tục được tỉnh quan tâm, nâng cao. Nội dung Bộ tiêu chí sẽ được lồng ghép trong các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương, gắn với các tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa.
Công tác phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc tiếp tục được đẩy mạnh. Đắk Nông tiếp tục bố trí, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cho hoạt động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí, ưu tiên vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, qua đó, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Bộ tiêu chí được triển khai, góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh…