Chính trị

Nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp ở Đắk Nông

Nguyễn Hiền 30/09/2024 06:23

Kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả giám sát và phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri.

ADQuảng cáo

Kỹ năng quyết định hiệu quả hoạt động

Kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả giám sát, thảo luận và tiếp thu ý kiến cử tri. Nếu kỹ năng hoạt động hạn chế, đại biểu sẽ gặp khó khăn trong việc phát hiện sai sót, giám sát không chặt chẽ và thiếu cơ sở phân tích trong các quyết định.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắk R’lấp chia sẻ, những năm gần đây, kỹ năng hoạt động của đại biểu các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là các đại biểu chuyên trách.

img_9949.jpg
Việc nắm vững kỹ năng giúp đại biểu tham gia giám sát, khảo sát đạt hiệu quả cao (Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát thực hiện chính sách liên quan dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Glong)

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số đại biểu thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết về luật pháp, giám sát và ra quyết định, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện vai trò của mình. Nhiều đại biểu kiêm nhiệm nhiều công việc nên không dành đủ thời gian và nguồn lực cho hoạt động của HĐND. Một số đại biểu chưa tiếp xúc thường xuyên với cử tri hoặc chưa nắm bắt đầy đủ các vấn đề và nguyện vọng của người dân, dẫn đến việc phản ánh chưa sát thực tế.

Kỹ năng giám sát của một số đại biểu hạn chế ảnh hưởng đến việc giám sát đối với các cơ quan hành chính và các lĩnh vực quản lý quan trọng. Ngoài ra, một số đại biểu còn hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chưa biết tận dụng các công cụ kỹ thuật số và công nghệ để cải thiện việc quản lý thông tin và tương tác với cử tri.

Còn theo ông Thái Văn Định, Chủ tịch HĐND xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức, hiện nay, đại biểu HĐND cấp xã gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Thường trực HĐND xã hiện chỉ có hai đại biểu, còn lại là cán bộ văn phòng giúp việc và đại biểu thôn, bon dân cử. Vì vậy, công tác giám sát nhiều lúc còn hạn chế về chuyên môn, việc nắm bắt quy trình, trình tự, thủ tục hay cập nhật các văn bản mới chưa được thường xuyên.

Các kỹ năng tham gia đóng góp ý kiến, giải trình, phản biện tại kỳ họp HĐND xã còn nhiều hạn chế dẫn đến việc truyền tải nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân trên địa bàn chưa thật sự sâu sát. Mặt khác, do lượng công việc kiêm nhiệm nhiều nên đại biểu chưa phát huy hết được việc tự nghiên cứu và trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng hoạt động”.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức, đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng, đại biểu HĐND các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc lắng nghe, tiếp thu và truyền tải ý kiến của cử tri đến các cấp chính quyền và kỳ họp. Ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu thường gặp trở ngại trong việc hiểu ngôn ngữ và văn hóa địa phương. Vì vậy, nhiều ý kiến quan trọng, nhất là liên quan đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, không được chuyển tải kịp thời đến cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến thông tin liên quan đến văn hóa truyền thống không được phản ánh đầy đủ, ảnh hưởng phần nào đến việc khôi phục và bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn hơn.

Tăng cường hơn nữa kỹ năng cho đại biểu

Để khắc phục thực trạng này, huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đại biểu. Các lớp tập huấn được huyện tổ chức để giúp đại biểu hiểu rõ hơn về các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đại biểu có thể truyền tải thông tin một cách hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm ý kiến của người dân được đưa đến đúng cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

44.jpg
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện Cư Jút

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắk R’lấp cho rằng, các đại biểu cần bám sát yêu cầu chung và đặc thù của địa phương để thể hiện tốt hơn vai trò của mình. Việc tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giúp đại biểu tiếp cận được những thông tin, chính sách, kỹ năng và biện pháp mới, từ đó thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.

"Đại biểu cần dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc họp. Việc thường xuyên cập nhật, nghiên cứu chính sách, quy định mới và nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương sẽ giúp đại biểu đóng góp ý kiến có căn cứ. Đại biểu cần tự tin hơn, tích cực thảo luận và đóng góp ý kiến trên mọi lĩnh vực, để đưa ra những giải pháp tốt hơn. Việc tổ chức họp và phân công nhiệm vụ trước mỗi kỳ họp rất cần thiết để đại biểu xác định rõ những nội dung cần chất vấn, từ đó tập trung vào các vấn đề thiết thực", bà Vinh cho hay.

Số đại biểu HĐND các cấp tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2021-2026 hiện nay có 2.056 người. Trong đó, đại biểu cấp tỉnh: 48 người; đại biểu cấp huyện: 271 người; đại biểu cấp xã: 1.737 người.

Gần đây, HĐND tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn chuyên đề cho hơn 200 đại biểu. Đây là lần thứ hai tỉnh mở lớp nhằm nâng cao kỹ năng cho các đại biểu. Mục tiêu của lớp tập huấn là giúp đại biểu rèn luyện kỹ năng quyết định và giám sát trong các lĩnh vực như dân tộc, văn hóa, xã hội, ngân sách Nhà nước, phí, lệ phí và các khoản đóng góp của Nhân dân. Ngoài cập nhật kiến thức, kỹ năng, đây là diễn đàn đại biểu nghiên cứu, trao đổi với báo cáo viên, làm rõ các vấn đề thực tiễn tại địa phương, từ đó áp dụng vào hoạt động thực tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND.

b12.jpg
Xác định tầm quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu, mới đây HĐND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức hội nghị tập huấn lần thứ 2 với chuyên đề liên quan cho hơn 200 đại biểu các cấp

Bà Mai Thị Xuân Trung, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông khẳng định: "Kỹ năng hoạt động của đại biểu đóng vai trò rất quan trọng. Đại biểu có kỹ năng hoạt động tốt sẽ giúp nắm bắt tình hình, đề xuất chính sách và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Đại biểu cần nắm vững kiến thức toàn diện và kịp thời về các lĩnh vực để truyền đạt thông tin thực tế, chính sách đến Nhân dân. Trong đó, kỹ năng giám sát các chính sách văn hóa, xã hội rất quan trọng, nhằm bảo đảm những vấn đề liên quan đến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được thực hiện hiệu quả hơn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO