Tăng cường dạy tiếng Việt
Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh ĐBDTTS, việc tăng cường tiếng Việt là một trong những giải pháp chủ đạo được ngành Giáo dục triển khai. Hằng năm, Sở GD-ĐT tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng học sinh ĐBDTTS. Các trường tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Việt, thi để tăng cường tiếng Việt cho học sinh ĐBDTTS.
Đặc biệt, “Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh mầm non ĐBDTTS, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” được triển khai sâu rộng hằng năm. Đối với bậc mầm non, ngành thực hiện chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng ĐBDTTS, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng khó khăn, tạo chuyển biến tích cực. Cụ thể, 100% trẻ 5 tuổi ăn bán trú ở trường, học 2 buổi/ngày. Hầu hết trẻ 5 tuổi có khả năng sử dụng tiếng Việt lưu loát, rõ ràng.
Các trường vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. (Trong ảnh: Trường THCS Đắk Nang, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong) |
Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh ĐBDTTS bậc mầm non và tiểu học, góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh bỏ học vùng ĐBDTTS hàng năm. Chất lượng giáo dục đại trà từng bước được nâng lên rõ rệt. Kết quả năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 96%, trong đó, học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 90% và lớp 2 đạt 96%.
Nâng chất lượng giáo dục trường chuyên biệt
Hiện nay, toàn tỉnh có 7 trường phổ thông DTNT THCS-THPT, trong đó có 1 trường THPT DTNT cấp tỉnh. Số học sinh học tại các trường PTDTNT chiếm tỷ lệ 10% học sinh ĐBDTTS cấp THCS và THPT của toàn tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 2 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó 1 trường cấp tiểu học và 1 trường cấp THCS, với quy mô 11 lớp học, có 293/486 học sinh được ở bán trú.
Học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) được tổ chức ăn bán trú |
Các trường nội trú và bán trú đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Đi đôi với đó, việc tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề nhằm phát triển toàn diện cho học sinh ĐBDTTS được chú trọng.
Mặt khác, dựa vào điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tăng cường tiếng Việt, bảo đảm cho học sinh ĐBDTTS đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp, cấp học. Qua đó, tỷ lệ huy động học sinh ÐBDTTS trong độ tuổi ra lớp tăng, số học sinh bỏ học giảm, góp phần quan trọng trong việc củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS. Riêng trong năm học 2021-2022, ở khối phổ thông DTNT số lượng học sinh đạt kết quả học tập khá, giỏi bậc THCS chiếm trên 36%, bậc THPT chiếm gần 73%, tăng 4,6% so với năm học 2015 - 2016. Ðối với trường bán trú, gần 20% học sinh bậc THCS đạt khá, giỏi.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh ĐBDTTS, ngành Giáo dục chú trọng thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng ĐBDTTS đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, có khoảng hơn 10% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên người ĐBDTTS. Trong đó, 100% người đều đạt chuẩn trình độ đào tạo. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng ĐBDTTS. Trọng tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh ĐBDTTS ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.