Ông Santi Baran, phụ trách chiến lược và đối tác của MRC, trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Diễn đàn tham vấn khu vực lần thứ 2 về dự án “Hợp tác 3 bên về Phát triển bền vững tại hạ lưu Sông Mekong dựa trên mối liên hệ Nước-Năng lượng-Thực phẩm (WEF)” vừa diễn ra tại thủ đô của Thái Lan.
Tham dự sự kiện ngày 31/8 này có đại diện Văn phòng Liên hợp quốc về Hợp tác Nam Nam (UNOSSC), Ủy hội Sông Mekong (MCR), Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc (MSIT), cùng các đoàn đại biểu 4 nước hạ lưu Sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Khởi động từ tháng 9/2021, dự án trên tập trung vào củng cố khả năng tiếp cận nước sạch, năng lượng và thực phẩm của các cộng đồng dân cư dễ tổn thương ở vùng hạ lưu Sông Mekong.
Sau diễn đàn tham vấn lần thứ nhất ngày 28/6 năm nay cũng diễn ra tại Bangkok, kỳ tham vấn lần này đặt mục tiêu điểm lại những kết quả của dự án trong năm 2022 và kế hoạch hành động năm 2023 của Nhóm Dự án; tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên MRC và Nhóm Dự án trình bày về thiết kế thí điểm quốc gia được đề xuất, cách tiếp cận, các bên liên quan tham gia, mối liên hệ với Chiến lược Phát triển lưu vực và hướng dẫn các bước thực hiện tiếp theo.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giám đốc UNOSSC Dima Al-Khatib cho biết thông qua dự án này, UNOSSC mong muốn cung cấp cho các cộng đồng giải pháp khoa học, công nghệ, những đổi mới phù hợp và tiết kiệm chi phí để nâng cao sinh kế của họ, đặc biệt là thông qua khả năng tiếp cận tốt hơn với nước sạch, năng lượng và thực phẩm.
UNOSSC cũng hy vọng các giải pháp thí điểm sẽ thu được kết quả tốt để có thể nhân rộng mô hình sang các địa phương khác.
Bà Dima cũng cho biết UNOSSC đã phân tích những thách thức phát triển ở tiểu vùng Sông Mekong, bao gồm cả những nhu cầu cụ thể ở cấp cộng đồng, đồng thời tham khảo ý kiến chặt chẽ với Ủy ban Sông Mekong của các quốc gia và các nhà lãnh đạo cộng đồng để xác định những địa điểm thích hợp ở mỗi quốc gia có thể cải thiện sinh kế và cũng như những địa điểm phù hợp với các giải pháp kỹ thuật liên quan của Hàn Quốc.
Song song với đó, dự án cũng vạch ra các sáng kiến tương tự liên quan đến nước sạch, năng lượng và thực phẩm ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia mà dự án có thể rút ra những tác động chính khi triển khai thí điểm.
Một số chuyên gia của Việt Nam tham gia Diễn đàn. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Tại diễn đàn, các nhóm đại biểu từ 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã lần lượt chia sẻ và thảo luận việc lựa chọn các địa điểm tại mỗi nước để thực hiện thí điểm dự án, những thách thức đặt ra và các giải pháp tiềm năng.
Theo ông Santi Baran, phụ trách chiến lược và đối tác của MRC, một số thách thức chính mà các nước hạ lưu Sông Mekong đang phải đối mặt là thiếu nước sạch ở một số cộng đồng vùng sâu vùng xa, tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến tiếp cận nước ngọt ở vùng đồng bằng cùng vấn đề lũ lụt ở các làng ven sông.
Tại diễn đàn, các vấn đề này cũng đã được 4 nước đề cập đến bên cạnh những thách thức khác như tình trạng mực nước thay đổi ảnh hưởng đến nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, vấn đề tưới tiêu và tác động tới sản xuất lúa gạo, năng lượng…
Do đó, ông Santi tin tưởng rằng dự án với công nghệ Hàn Quốc có thể giúp giải quyết một số thách thức như nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch, giám sát xử lý nước nhiễm mặn và thiết lập hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt.
Dự án có thời gian thực hiện 5 năm (2021-2025) với kinh phí 4 triệu USD do Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc tài trợ.
UNOSSC đóng vai trò đứng đầu thực hiện dự án cùng các đối tác khác bao gồm Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong (MRCS), Viện Mekong (MI) và Viện Chính sách Khoa học Công nghệ (STEPI) của Hàn Quốc./.