Cuối tháng 10/2020, cơ quan công an nhận được tin báo của một người phụ nữ ở Krông Nô về việc bị lừa đảo 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Người phụ nữ này có chồng bị thiệt mạng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) và được các nhà hảo tâm ủng hộ tiền qua tài khoản ngân hàng.
Đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngân hàng của nạn nhân ở Krông Nô bị TAND tỉnh Đắk Nông xử phạt 15 năm tù giam |
Chị khai có một người đàn ông gọi điện thoại chia sẻ và gửi một tin nhắn có đường link đến đề nghị chị nhập thông tin cá nhân vào đó để nhận tiền hỗ trợ. Chị làm theo và một lúc sau, tài khoản ngân hàng của chị đã bị mất 100 triệu đồng.
Sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc và tìm ra đối tượng. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận đã mua 2 tài khoản ngân hàng của người không rõ thân nhân và một số sim rác để thực hiện hành vi phạm tội.
Đối tượng gửi 1 đường link cho nạn nhân (chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn) rồi đề nghị họ đăng nhập các thông tin vào đó. Sau khi chiếm được thông tin, mật khẩu tài khoản… đối tượng gửi tiền vào các tài khoản khác để tiêu xài.
Cơ quan chức năng xác định đã có 23 người ở nhiều tỉnh, thành phố đã bị đối tượng này chiếm đoạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Sau khi bị cơ quan chức năng truy tố, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt đối tượng 15 năm tù giam.
Đây là một thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng. Theo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Đắk Nông, với hình thức này, đối tượng dùng mạng xã hội mạo danh doanh nghiệp, tổ chức… để kết nối với những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn để đề nghị giúp đỡ.
Tội phạm gửi cho nạn nhân đường link vào đó và yêu cầu đăng nhập. Sau đó, đối tượng sẽ chiếm các thông tin để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài hình thức trên, PC02 chỉ ra 5 hình thức khác thường được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thứ nhất, các đối tượng tin tặc (hacker) sẽ tận dụng lỗ hổng bảo mật của các mạng xã hội để xâm nhập, sửa đổi, trộm cắp thông tin của người bị hại. Sau khi chiếm đoạt tài khoản (hack nick), tin tặc sẽ tìm hiểu các mối quan hệ thân cận để sàng lọc thông tin và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các “con mồi”.
Ở hình thức thứ hai, đối tượng sẽ kết bạn làm quen, yêu đương trên mạng xã hội. Sau một thời gian quen biết, đối tượng sẽ gửi tiền, quà tặng cho các nạn nhân. Đồng phạm của đối tượng sẽ mạo danh là nhân viên cửa khẩu, hải quan, thuế… yêu cầu nạn nhân nộp tiền để nhận rồi chiếm đoạt tài sản này.
Hình thức thứ ba của loại tội phạm này là mạo danh cơ quan tố tụng. Các đối tượng tìm hiểu những người tâm lý kém, người già, thiếu va chạm xã hội… rồi gọi điện giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đang điều tra các vụ án liên quan đến nạn nhân hoặc người nhà. Chúng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phong tỏa vụ án hoặc “chạy án”.
Hình thức tiếp theo là việc lợi dụng mua bán hàng trên mạng xã hội. Các đối tượng này rao bán hàng trên các trang mạng xã hội để “mồi” nạn nhân. Sau khi nạn nhân chuyển tiền mua hàng, các đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc. Đây là hình thức khá phổ biến.
Đối tượng và tang vật trong một vụ lợi dụng không gian mạng để chiếm đoạt tài sản bị Công an Đắk Nông triệt phá (Ảnh: cơ quan công an cung cấp) |
Thủ đoạn mới được phát hiện trên địa bàn tỉnh là lập ra các trò chơi trên mạng và dụ dỗ người chơi tham gia đầu tư. Ví dụ như khi lập trò chơi bóng đá, các đối tượng sẽ dụ dỗ người chơi đầu tư tiền để mua các câu lạc bộ, cầu thủ… để bán kiếm lời. Khi người chơi đầu tư nhiều thì các đối tượng sẽ đánh sập mạng và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của người chơi.
Theo Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, Trưởng Phòng PC02, tội phạm trên không gian mạng có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin. Sau khi phạm tội, chúng nhanh chóng xóa dấu vết, tắt các dữ liệu vi phạm để giấu thân phận. Loại tội phạm này hoạt động trên không gian mạng, nên có thể ở khắp nơi trong nước, thậm chí ở nước ngoài, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.
Trong khi đó, công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra với ngân hàng, quỹ tín dụng, nhà mạng còn nhiều khó khăn do vấn đề bảo mật cho khách hàng. Công tác quản lý tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thuê bao di động của một số đơn vị còn nhiều sơ hở. Các đối tượng lợi dụng điều này để mở nhiều tài khoản, ví điện tử, mua các sim rác để lừa đảo rồi chuyển nhiều nơi, rút tiền ở nhiều địa điểm.
Cũng theo Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn nên người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin để có các giải pháp đề phòng. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng các hình thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao. Chúng tôi rất mong người dân chủ động nắm bắt thông tin về các hình thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để nâng cao cảnh giác, tránh bị kẻ gian lợi dụng”, ông Hoãn cho hay.