Một đối tượng lừa đảo trực tuyến bị bắt giữ tại Indonesia. Ảnh: BENARNEWS |
“Điểm nóng” Philippines
AP dẫn nguồn tin từ Ủy ban Chống tội phạm có tổ chức thuộc Phủ Tổng thống Philippines (PAOCC) cho biết, trong khuôn khổ một chiến dịch đêm 27/10, cảnh sát đã đột kích một khu tổ hợp ở Manila, phát hiện 598 người được cho là công dân của một số nước châu Á. Nhà chức trách đang thẩm vấn số người bị giam giữ để xác định ai là nạn nhân hoặc nghi phạm. Bộ trưởng Tư pháp Philippines Crispin Remulla thông tin: “Cơ sở vừa đột kích thuộc một tổ chức có quy mô lớn và chuyên kiếm tiền từ buôn bán người”.
Ông Remulla cũng cho biết, trong vụ đột kích, lực lượng chức năng phát hiện phòng massage, phòng karaoke và nhà hàng trong khu nhà mà họ đột kích. Không chỉ vậy, cảnh sát còn tìm thấy đồ chơi khiêu dâm trong các căn phòng tại tổ hợp này. Tại tầng 5, cảnh sát phát hiện ít nhất 9 kho chứa tiền mặt. Cơ quan điều tra đang xin giấy phép kiểm tra số máy tính đã được tịch thu, với nghi vấn đây là phương tiện lừa đảo trực tuyến và xử lý tiền ảo. Thủ thuật phổ biến của các tổ chức tội phạm lừa đảo là ép nạn nhân trở thành đồng phạm, lừa hoặc đe dọa “con mồi” đầu tư vào tiền ảo.
Theo lời khai của hai người đang bị tạm giữ, họ bị những kẻ buôn người bắt giữ trái phép. Một người đàn ông trong đó còn nói mình bị bắt cóc và bán với giá 8.800 USD từ đường dây khác. Người kia kể bị giam giữ đã một năm và bị buộc phải làm việc tới 15-18 giờ đồng hồ/ngày. Lực lượng chức năng tiết lộ trên cơ thể hai người này có “dấu vết bị tra tấn rõ ràng”.
Đây không phải vụ triệt phá đường dây buôn người quy mô lớn ở Philippines. Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, cảnh sát Philippines cũng đột kích vào một cơ sở tội phạm mạng ở thành phố Mabalacat tại phía bắc Manila, giải cứu khoảng 1.400 lao động, bị ép thực hiện các vụ lừa đảo tiền điện tử. Hồi tháng 6, Philippines từng tạm giữ hơn 2.700 người trong cuộc đột kích vào một số tòa nhà tại Manila cũng bị nghi là cơ sở cho hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Một đối tượng lừa đảo trực tuyến bị bắt giữ tại Indonesia. Ảnh: BENARNEWS |
Tăng cường hợp tác đấu tranh
Theo The Straits Times, tình trạng lừa đảo qua internet đã trở thành vấn đề lớn ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Thời gian qua, các báo cáo cho thấy, nhiều người trong và ngoài khu vực đã quyết định đi làm việc tại các quốc gia khác theo lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” của những kẻ buôn người. Dù vậy, khi tới nơi, họ mới vỡ mộng vì “việc nhẹ, lương cao” không thấy, ngược lại bị lạm dụng, ngược đãi và ép buộc phải tham gia dụ dỗ người khác vào các trò lừa đảo qua mạng. Hầu hết các nạn nhân đều cho biết, họ bị tịch thu hộ chiếu ngay khi đến nơi và bị ép làm việc 18 giờ đồng hồ mỗi ngày trong điều kiện khắc nghiệt.
Ngoài Philippines, Thailand thời gian qua nổi lên không chỉ là trạm trung chuyển các mạng lưới buôn người mà còn có nhiều nạn nhân của hoạt động lừa đảo. Đầu năm 2022, Đại học Hoàng gia Thailand Suan Dusit (SDU) đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến đối với 1.221 người trên cả nước về hoạt động “lừa đảo qua điện thoại”, trong đó 21,02% cho biết, đã trực tiếp bị lừa đảo qua điện thoại, 32,87% nắm bắt về việc lừa đảo qua điện thoại từ người thân bị lừa đảo hoặc các nạn nhân khác, 14,19% biết được tình hình lừa đảo qua điện thoại từ các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, một số báo cáo cho thấy, ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar có thể đang bị cầm giữ và buộc phải thực hiện lừa đảo trực tuyến. Ước tính con số này tại Campuchia là khoảng 100.000 người.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), hoạt động buôn người thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến là miếng mồi béo bở của các nhóm tội phạm. Trước tình hình đó, tháng 6/2022, Interpol đưa ra mức cảnh báo mầu cam cho 195 quốc gia thành viên về “cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu”. Interpol cảnh báo về tình trạng hàng chục nghìn người đã bị bọn tội phạm buôn người dụ dỗ qua con đường lừa đảo việc làm đến các trung tâm tội phạm ở Đông Nam Á.
Ngày 29/8, LHQ công bố báo cáo cho hay nhiều người bị lừa bán vào các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á và phải đối mặt các hành vi tra tấn, quấy rối tình dục. Ông Volker Turk, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ nhận định: “Những người bị ép làm việc trong các trung tâm lừa đảo này phải chịu sự đối xử vô nhân đạo và bị buộc phải thực hiện tội ác. Họ là nạn nhân. Họ không phải tội phạm”.
Nhằm đối phó tình trạng này, các nước ASEAN đều cam kết tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, coi đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở từng nước nói riêng và bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và phát triển khu vực nói chung. Các nhà chức trách khu vực này cũng tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp xử lý mạnh tay để Đông Nam Á không trở thành nơi ẩn náu của tội phạm, cũng như củng cố vị thế của ASEAN như một xã hội dựa trên luật pháp. Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Đông Nam Á và cũng là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vào tháng 5 vừa qua.
Theo Channel News Asia, ở cấp độ từng quốc gia, cảnh sát các nước đang mở chiến dịch truy quét, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện sớm những băng nhóm tội phạm lừa người lao động trái phép. Điển hình tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành cải cách lực lượng đặc nhiệm chống buôn người, trừng phạt nghiêm khắc những quan chức an ninh “tiếp tay” cho các mạng lưới buôn bán người. Ngoài ra, từng quốc gia cũng triển khai tuyên truyền, phổ biến thông tin để giáo dục người dân về các dấu hiệu lừa đảo, cả về các cơ hội việc làm giả, dẫn đến nạn buôn người và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Ở cấp độ khu vực, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra “Tuyên bố về chống buôn bán người (TIP) do lạm dụng công nghệ”. Trong tài liệu dài bốn trang này, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác chống TIP do lạm dụng công nghệ thông qua các cơ chế khu vực và sáng kiến khác nhau của ASEAN, sử dụng các công cụ công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tiến hành diễn tập, tác chiến phối hợp cũng như tiến hành điều tra chung. Giới chức ASEAN cũng cam kết tăng cường hợp tác chung trong lĩnh vực quản lý biên giới, phòng ngừa, điều tra, thực thi pháp luật và truy tố các mạng lưới tội phạm, bảo vệ, hồi hương, hỗ trợ như phục hồi và tái hòa nhập các nạn nhân.
Về lâu dài, chính quyền Indonesia cũng mong muốn ASEAN sớm đạt tiến triển về một hiệp ước dẫn độ cấp khu vực, qua đó giúp các cơ quan chức năng truy tố những kẻ phạm tội nhanh hơn và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của tội phạm trực tuyến.