Nam Sahara đối mặt các thách thức an ninh và kinh tế

HÀ ANH| 26/06/2024 05:17

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kinh tế khu vực Nam Sahara của châu Phi sẽ phục hồi trong hai năm tới. Tuy kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng quá trình phục hồi mong manh do tốc độ vẫn chậm và chưa đủ để tác động đến việc giảm nghèo đói ở khu vực. Tình hình xung đột và bạo lực gia tăng ở Nam Sahara tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, đặt khu vực này trước nhiều thách thức.

Sudan đang phải chật vật bảo đảm an ninh lương thực. (Ảnh: REUTERS)
Sudan đang phải chật vật bảo đảm an ninh lương thực. (Ảnh: REUTERS)

Trong báo cáo được thực hiện hai năm một lần công bố mới đây, WB dự báo, nền kinh tế ở Nam Sahara có thể đạt mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2024, cao hơn so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2023 và có thể tăng lên 3,8% trong năm 2025. Theo WB, sự phục hồi này chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tiêu dùng tư nhân tăng lên trong khi lạm phát giảm, thúc đẩy sức mua của hộ gia đình.

Ngoài ra, tăng trưởng đầu tư tại khu vực sẽ chậm lại do lãi suất có thể vẫn ở mức cao, trong khi việc củng cố ngân sách sẽ hạn chế chi tiêu của chính phủ. Theo chuyên gia Andrew Dabalen thuộc WB, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở mức 1% có liên quan đến tỷ lệ giảm nghèo ở khu vực chỉ đạt 1%, thấp hơn so với mức 2,5% ở các khu vực khác trên thế giới.

Ông Dabalen nhấn mạnh, trong bối cảnh ngân sách chính phủ bị hạn chế, không thể thúc đẩy giảm nghèo nhanh hơn nếu chỉ thông qua chính sách tài khóa. Việc giảm nghèo cần sự hỗ trợ của các chính sách mở rộng năng lực sản xuất của khu vực tư nhân, qua đó tạo ra nhiều việc làm tốt hơn cho người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội.

Tình trạng nghèo đói cùng cực vẫn tập trung ở khu vực Nam Sahara, đặc biệt là các vùng nông thôn và các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột. Theo WB, có ít nhất 462 triệu người ở vùng cận Sahara sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2023.

Trong khi đó, hạn hán và xung đột cũng góp phần khiến bức tranh kinh tế càng trở nên u ám. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), có tới gần 64 triệu người ở vùng Sừng châu Phi cần được nhận viện trợ khẩn cấp trong năm 2024.

Trong đó, 25 triệu người ở Sudan, 21 triệu người ở Ethiopia, 9 triệu người ở Nam Sudan và 8,3 triệu người ở Somalia cần nhận hỗ trợ nhân đạo trong năm nay. Khoảng 700.000 trẻ em ở Sudan đang đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Con số này ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Nam Sudan và Somalia lần lượt là 1,65 triệu và 1,45 triệu em.

Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đang phổ biến ở nhiều nơi trong khu vực, nhất là sau trận lũ lụt do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra vào năm 2023, đợt hạn hán tồi tệ gần đây do có tới 5 mùa mưa liên tiếp dưới mức trung bình và các cuộc xung đột cũng như những thách thức kinh tế đang diễn ra.

Trong khi đó, khu vực Sahel và cận Sahara đã trở thành điểm nóng khủng bố toàn cầu, với gần một nửa số người thiệt mạng do tấn công khủng bố trên toàn thế giới là ở khu vực này. Một số quốc gia Tây Phi đang phải đối mặt sự gia tăng các cuộc tấn công khủng bố và đây là xu hướng đáng lo ngại đe dọa sự ổn định và phát triển kinh tế của khu vực. Với 1.907 người chết liên quan đến khủng bố vào năm 2023, tương đương 25% tổng số trên toàn cầu, Burkina Faso chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các nhóm thánh chiến liên kết với Al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã gia tăng các cuộc tấn công đẫm máu. Mali và Nigeria cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Xếp thứ 3 trong danh sách với 1.012 người chết, Mali có số nạn nhân chết do tấn công khủng bố tăng 68% vào năm ngoái. Xung đột vũ trang, nghèo đói, tội phạm có tổ chức, trong đó có buôn bán ma túy tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự mở rộng các nhóm khủng bố.

Nếu thiệt hại về người là bi thảm thì ảnh hưởng tiêu cực bởi chủ nghĩa khủng bố cũng có thể được đo lường bằng những hậu quả kinh tế nặng nề. Bất ổn chính trị, thiếu vốn đầu tư nước ngoài cản trở hoạt động kinh tế địa phương gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới này.

Sự bất ổn chính trị tại nhiều nước ở khu vực Nam Sahara gây ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh tế và hạn chế khả năng tiếp cận lương thực của khoảng 105 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực. Kinh tế của khu vực này đã chịu tác động của các cú sốc liên quan đến đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine và lãi suất tăng trên phạm vi toàn cầu. Vòng luẩn quẩn đói nghèo-xung đột, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng khiến Nam Sahara tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nam-sahara-doi-mat-cac-thach-thuc-an-ninh-va-kinh-te-post816110.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nam-sahara-doi-mat-cac-thach-thuc-an-ninh-va-kinh-te-post816110.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nam Sahara đối mặt các thách thức an ninh và kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO